Hãy lắng nghe những chia sẻ thú vị của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội về những phương pháp giúp học ngữ pháp dễ dàng nhé!
– Chào cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, cô đánh giá thế nào về nội dung ngữ pháp đối với người học Tiếng Nhật?
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Tiếng Nhật là một ngôn ngữ Đông Á được hơn 130 triệu người sử dụng trên khắp thế giới. Nó là một ngôn ngữ có hệ thống các cấu trúc nghiêm ngặt và rành mạch thể hiện đặc trưng của xã hội Nhật Bản với những dạng biến đổi loại từ và sự kết hợp linh hoạt giữa các từ vựng để chỉ mối quan hệ giao tiếp giữa mọi người với nhau.
Nắm vững ngữ pháp Tiếng Nhật là việc không hề dễ nhưng chắc chắn sẽ đạt được nếu thường xuyên luyện tập. Luyện tập ở đây không chỉ là học thuộc lòng các mẫu câu được học trên lớp mà là sự áp dụng vào thực tế bất kỳ khi nào. Việc phân bổ thời gian trau dồi các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết là nhân tố rất quan trọng. Bởi nếu quá chú trọng vào một kỹ năng mà không để tâm đến các kỹ năng khác sinh viên sẽ bị hụt kiến thức, khó có thể thành thạo.
– Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy Tiếng Nhật, cô có thể chia sẻ một số bí quyết học tập hiệu quả dành cho các em sinh viên?
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Đối với phần ngữ pháp thì vốn từ vựng là yếu tố cơ bản. Bởi nếu vốn từ quá ít chúng ta sẽ khó có thể diễn đạt thông tin mà mình muốn thể hiện. Một số bí quyết để các em có thể nâng cao vốn từ đó là: sử dụng flashcard; xem phim; nghe nhạc hay đọc truyện Tiếng Nhật. Tất nhiên là khi học phải kết hợp với thực hành. Giai đoạn đầu, các em có thể đặt câu theo các mẫu câu mà giảng viên cung cấp. Quan trọng nhất là sắp xếp đúng chủ ngữ, vị ngữ và thứ tự các loại từ. Khi đã nhuần nhuyễn thì tự mình áp dụng vào các ngữ cảnh trong thực tế. Độ dài của câu cũng vậy. Với người mới bắt đầu nên đặt các câu đơn giản. Sau đó mới luyện tập các câu ghép có cấu tạo từ phức tạp hơn.
– Cô đánh giá thế nào về khả năng tiếp thu của sinh viên HPC?
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Vốn quý nhất của sinh viên ngành Tiếng Nhật chính là niềm đam mê ngôn ngữ của các em. Đó cũng là nguồn động lực lớn thôi thúc các em có ý thức học tập và rèn luyện mỗi ngày. Nếu như trước đây, sự chủ động của người học có nhiều hạn chế thì hiện nay với phương pháp lấy người học làm trung tâm các em sinh viên đã có nhiều điều kiện, cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân.
Với sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, các thầy cô là những người cung cấp những kiến thức, kỹ năng nền tảng còn sinh viên là chủ thể phát triển các tri thức đó. Để thúc đẩy sự tích cực của sinh viên, tôi thường thiết kế bài giảng với nhiều ví dụ minh họa sinh động, tăng cường sự tương tác giữa giảng viên – sinh viên và sinh viên với nhau thông qua các hoạt động nhóm theo chủ đề bài học. Là người đồng hành cùng các em trên giảng đường, tôi thấy được sự tiến bộ của sinh viên mỗi ngày. Đây cũng là niềm mong mỏi và tự hào của những người làm nghề giáo.
Đào tạo nguồn nhân lực VỮNG KIẾN THỨC – GIỎI TAY NGHỀ luôn là mục tiêu phát triển của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội. Tin rằng những chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã gợi mở nhiều điều thú vị, bổ ích trong quá trình học tập dành của sinh viên tại HPC.