Lịch sử hình thành – phát triển ngành Logistics

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Ngành Logistics đã có những bước chuyển mình to lớn, ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Sơ lược về sự ra đời của ngành Logistics

Ít ai biết rằng, logistics xuất hiện từ thời cổ đại, trong các cuộc chiến tranh của đế chế Hy Lạp và La Mã. Bấy giờ, những chiến binh có chức danh Logistikas đảm nhận việc vận chuyển, phân phối các nhu yếu phẩm như lương thực, vũ khí, thuốc men,…đến các doanh trại. Công việc này là một nhân tố quyết định sự thắng lợi của cuộc chiến, khi mỗi bên đều  tìm cách bảo vệ nguồn tiếp viện của mình và phá hủy nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người, từ đó dần hình thành nên một hệ thống mà ngày nay chúng ta gọi là quản lý logistics.

Vai trò của logistics ngày càng được khẳng định khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trong suốt cuộc chiến, Mỹ và đồng minh đã triển khai tốt công tác hậu cần cung cấp vũ khí, đạn dược, quân trang đúng thời điểm một cách tối ưu hóa. Trong khi đó, phe phát xít lại “tỏ ra lúng túng” trong công tác đảm bảo nguồn cung trong chiến tranh. Chính vì vậy, phe đồng minh đã chiếm được ưu thế để rồi lật đổ phe phát xít năm 1945. Cuộc chiến cũng tạo ra nhiều phát minh lớn cho nhân loại như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực, ra đa và nhiều ứng dụng về logistics được phát triển đến ngày nay.

Các giai đoạn phát triển ngành Logistics

Sự phát triển của ngành Logistics thế giới cho đến nay được thể hiện qua sáu giai đoạn như sau:

– Giai đoạn Logistic tại chỗ: Xuất hiện từ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Mục đích của nó là hợp lý hóa các hoạt động độc lập của một các nhân hay một dây chuyền sản xuất, lắp ráp. Đúng như tên gọi của mình, dòng vận động nguyên liệu của Logistics tại chỗ ở ngay tại một vị trí việc làm.

– Giai đoạn Logistics cơ sở sản xuất: Xuất hiện vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 20. Hoạt động Logistics diễn ra trong các bộ phận của cơ sở sản xuất, để đảm bảo nguyên vật liệu, đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra ổn định.

– Giai đoạn Logistics công ty: Là hoạt động vận chuyển nguyên liệu diễn ra giữa các cơ sở và quá trình sản xuất của một công ty. Chẳng hạn, giữa các nhà máy với kho hàng; giữa tổng đại lý với các đại lý bán lẻ. Logistics công ty ra đời và chính thức được áp dụng trong kinh doanh vào những năm 1970.

– Giai đoạn Logistics chuỗi cung ứng: Phát triển vào những năm 1980, các hoạt động logistics được liên kết với nhau trong một chuỗi thống nhất giữa các công ty. Điểm nhấn trong chuỗi cung ứng là tính tương tác và sự kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi  thông qua 3 dòng liên kết: dòng thông tin, dòng sản phẩm, dòng tài chính. Trong chuỗi cung ứng, logistics bao trùm cả hai cấp độ hoạch định và tổ chức. Trong thực tế, hệ thống logistics của mỗi quốc gia, khu vực đều có những đặc điểm khác nhau. Nhưng nhìn chung mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu  phục vụ khách hàng tối đa với chi phí tối thiểu.

– Logistics toàn cầu: Là dòng vận động của nguyên vật liệu, thông tin và tiền tệ giữa các quốc gia. Nó liên kết các nhà cung ứng của các nhà cung ứng với khách hàng của khách hàng trên toàn thế giới.

 Logistics thế hệ sau: Để chỉ sự phát triển của ngành Logistics trong tương lai. Có nhiều ý kiến khác nhau về hướng phát triển của ngành này. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, logistics hợp tác sẽ là giai đoạn tiếp theo của lịch sử phát triển Logistics. Một số khác lại cho rằng, giai đoạn tiếp theo là logistics thương mại điện tử. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì một điều chắc chắn rằng, Logistics sẽ không ngừng phát triển và đóng vai trò quyết định sự sống còn của hầu hết các công ty.

CHIA SẺ