TS., Thầy Lê Đăng Hoan – Cố vấn cao cấp của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội
Thầy chính là cố vấn cao cấp, cùng Ban lãnh đạo HPC đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành tiếng Hàn của trường. Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Thầy trong công tác giảng dạy, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, trở thành một ngành thế mạnh, có thương hiệu, mang đậm dấu ấn quốc tế, luôn được đối tác, trong đó có các trường Đại học Hàn Quốc đánh giá cao, về một môi trường đào tạo ngoại ngữ chuẩn mực.
TS., Thầy Lê Đăng Hoan
Một người Thầy giản dị, đầy tâm huyết
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất hiếu học Đô Lương, Nghệ An, TS Lê Đăng Hoan là nhà giáo, nhà thơ, là dịch giả văn học Hàn Quốc. Từ năm 1964 – 1970, Thầy đã học tiếng Hàn tại Trường Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành – CHDCND Triều Tiên. Một năm sau đó, Thầy học ngành luyện kim tại Trường Đại học Công nghệ Kim Chaek, nay là Đại học Công nghệ Bình Nhưỡng. Về nước, Thầy công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ luyện kim, Bộ Công Thương. Năm 1980, Thầy đi nghiên cứu sinh ở Nga (Liên Xô cũ), trở thành TS. ngành luyện kim.
Từ năm 1996, Thầy được mời làm giảng viên thỉnh giảng Tiếng Hàn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; từ năm 2007 là Phó Chủ tịch Hội đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam; Từ năm 2011 là Ủy viên Ban chấp hành Hội nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam cho đến nay.
Thầy Lê Đăng Hoan – Cố vấn cao cấp HPC và Thầy Bùi Quang Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường thăm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam
Vừa là người Thầy đứng trên bục giảng, vừa là một cán bộ của ngành luyện kim, những kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức, ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc chính là chất lửa nung nấu trong mỗi bài giảng sinh động của Thầy. Hai mươi hai năm đứng trên bục giảng, giờ đây rất nhiều học trò của Thầy đã trở thành giảng viên dạy tiếng Hàn ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm, có cả đồng nghiệp của Thầy ngay dưới mái trường HPC.
Trong một chương trình giao lưu văn hóa Hàn Quốc dành cho sinh viên của trường, Thầy khẳng định: “Chưa bao giờ việc dạy và học tiếng Hàn ở Việt Nam lại phát triển như hiện nay. Có thể nói, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội chính là địa chỉ thu hút nhiều sinh viên lựa chọn học tập. Bởi ở đây có cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy học tập đầy đủ, giáo trình các em đang học là giáo trình dùng để giảng dạy trong các trường đại học chính quy, tuy thời gian học tập ngắn, nhưng lại đạt chất lượng tốt (Hệ Trung cấp học từ 1, 5 – 2 năm, hệ cao đẳng từ 2, 5 – 3 năm), sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp chính quy); đội ngũ giáo viên tốt nghiệp đại học và trên đại học, có trình độ, phương pháp giảng dạy tốt, lại có nhiều giảng viên người Hàn Quốc có kinh nghiêm trực tiếp giảng dạy”.
Thầy cũng chia sẻ: “Để học tiếng Hàn tốt, thì chính các em phải nỗ lực, chủ động trong học tập, học thầy cô, học từ sách vở, từ chính thực tế cuộc sống”.
Những bài giảng, những chỉ dẫn quý báu của Thầy luôn là động lực để sinh viên ngành tiếng Hàn của HPC chăm chỉ học tập, rèn luyện, với niềm đam mê, quyết tâm chinh phục thành công Tiếng Hàn.
Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy còn tham gia biên soạn nhiều tập sách giáo khoa tiếng Hàn. TS Lê Đăng Hoan là người viết và đồng tác giả của trên 10 cuốn sách giáo khoa tiếng Hàn đang được sử dụng tại các trường Đại học và các trung tâm ngoại ngữ uy tín của Việt Nam.
Mới đây nhất, thầy là đồng chủ biên cuốn giáo trình: “Tiếng Hàn dành cho sinh viên Cao đẳng Việt Nam” với GS – TS. Cho Hang Rok, hiện là Viện trưởng Viện đào tạo Ngôn ngữ Văn hóa Quốc tế, Đại học Sang Myung Hàn Quốc.
Đây là cuốn giáo trình 3 tập, được biên soạn công phu, khoa học, minh họa phong phú, thuận lợi cho người dạy và người học, do Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội hợp tác với TS Lê Đăng Hoan, GS – TS. Cho Hang Rok tổ chức thực hiện. Bằng những kinh nghiệm quý báu trong công tác đào tạo, soạn thảo giáo trình Tiếng Hàn của GS -TS. Cho Hang Rok và TS. Lê Đăng Hoan, bộ giáo trình được coi là chìa khóa mở ra kho tàng ngôn ngữ Tiếng Hàn cho sinh viên và những người yêu thích học hỏi, khám phá.
Năm 2015, vì có nhiều đóng góp trong giáo dục tiếng Hàn và phát triển hợp tác giữa trường Đại học Sang Myung, Hàn Quốc với các trường Đại học ở Việt Nam, Thầy đã được Tổng trưởng trường Đại học Sang Myung phong là Giáo sư đặc trách.
Một dịch giả văn học Hàn Quốc có uy tín.
Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, trên văn đàn Việt Nam, Thầy còn được biết đến với tư cách là một dịch giả uy tín, chuyển ngữ rất thành công nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt.
Hiện nay, thầy là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (nguyên Ủy viên Hội đồng dịch thuật văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam), Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, là Ủy viên Hội đồng dịch thuật văn học nước ngoài của Hội nhà văn Hà Nội.
Không kể các sách về chuyên ngành, đến nay thầy đã dịch hơn 10 tác phẩm văn học Hàn Quốc , bao gồm nhiều tập thơ nổi tiếng của các nhà thơ Hàn Quốc như: “Bài hát ngày mai” của nhà thơ Koun, “Sự im lặng của tình yêu” của nhà thơ Han Youn Un, “Em đã sống vì ai” của nhà thơ Kim Kwang-Kyu, “Vạn đời người” của nhà thơ Koun, “Khi hoa mẫu đơn nở” của Kim Young Rang, “Nỗi nhớ quê hương” của Jeong Ji-yong, “Hoa Chin-tal le” của Kim Sowol. Về tiểu thuyết thầy đã dịch một số tác phẩm như “ Mẹ” (Sống với người mẹ đãng trí- tiểu thuyết) của tác giả Lee Young-gie, “Trước phong trào Man se (truyện vừa) của Yom Sang-seop…
Nhà thơ Hàn Quốc Ko Un và dịch giả Lê Đăng Hoan tại buổi lễ giới thiệu tập thơ “ Bài hát ngày mai” của nhà thơ Ko Un do Lê Đăng Hoan chuyển ngữ.
Đong đầy yêu thương, xúc cảm và sự sâu sắc qua từng câu chữ, được Thầy nâng niu, gọt giũa trong các tác phẩm dịch của mình. Tất cả những xúc cảm tinh tế của văn học Hàn Quốc đã được TS Lê Đăng Hoan chuyển tải thành công trong tác phẩm chuyển ngữ sang tiếng Việt, và được giới phê bình, đặc biệt người Việt Nam yêu thơ đón nhận, nhiều tác phẩm đã được sử dụng trong chương trình dạy văn học Hàn Quốc ở các trường đại học và dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc.
Trong các buổi giao lưu nói về dịch văn học Hàn Quốc, TS Lê Đăng Hoan thường chia sẻ rằng, trong quá trình dịch tác phẩm, người dịch phải gặp trực tiếp các tác giả hoặc các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc để trao đổi về tác phẩm. Họ là những người giúp bản dịch chuẩn xác về nội dung và ngôn từ.
TS Lê Đăng Hoan và dịch giả Ahn Kyung-hwan (dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn) cùng các nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam
Chính sự cẩn trọng của Thầy trong dịch thuật văn học đã khiến độc giả Việt Nam trân trọng và luôn dõi theo những tác phẩm chuyển ngữ của Thầy.
Gần đây nhất, tháng 11/2018, hai tác phẩm mà Thầy tham gia dịch: “Tìm hiểu xã hội văn hoá Hàn Quốc“, và tập thơ chung giữa các nhà thơ khuyết tật của Hàn Quốc – Việt Nam: “Đón nhận tình yêu của tôi được tết thành thơ” đã được công bố.
TS Lê Đăng Hoan và các nhà thơ nhà văn Việt Nam trong buổi giao lưu với các nhà thơ, nhà văn Hàn Quốc tại Seoul tháng 11 năm 2018.
Thầy đã đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải 3 cuộc thi thơ của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, Giải thưởng văn học nước ngoài của Hội nhà văn Hàn Quốc…
Tôi xin khép lại bài viết này bằng một tứ thơ trong thi phẩm: “Khi hoa mẫu đơn nở” của nhà thơ Kim Young-Rang, được Thầy chuyển ngữ:
“Nuốt dòng nước mắt vào trong/Tìm niềm vui chốn hư không xanh ngời/Thấm nước mắt xuống đất tươi/Niềm vui tận đến chân trời thần tiên” (Giấc mơ xưa trở lại)
Lời thơ như những viên minh châu long lanh cảm xúc, đặc biệt lại thể hiện qua thể thơ lục bát, giàu âm hưởng, vần điệu, đủ để chạm đến sự rung cảm của người đọc về tâm trạng của người thi sĩ Hàn nhiều trăn trở, ưu tư và đồng điệu.
Cầm Thi