Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng 50 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu trên cả nước năm 2019
Tham dự buổi gặp mặt có TS Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, TS Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cùng 50 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiêu biểu trên cả nước năm 2019 về dự.
Trong buổi gặp gỡ Phó Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Quân đã báo cáo những kết quả đạt được của ngành GDNN trong thời gian qua, với rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai có hiệu quả, tạo được nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực trong lĩnh vực GDNN. Việc hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, chuẩn hóa chương trình đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của toàn xã hội về GDNN, định hướng công tác tuyển sinh gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho sinh viên trường nghề, đồng thời nhân rộng mô hình đào tạo 9+, tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN… Đó là những điểm nhấn thành công trong bức tranh tổng quan về phát triển GDNN.
Sự kiện gần đây nhất, ngày 16/11/2019, trong Diễn đàn quốc gia “NÂNG CAO TẦM KỸ NĂNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM” với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, một lần nữa, thành công của Đoàn Việt Nam, đứng thứ 25/63 quốc gia, tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tổ chức tại thành phố Kazan, Liên bang Nga vừa qua được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ thành viên toàn Đoàn, đồng thời trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho sinh viên Trương Thế Diệu, vì đã có thành tích đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi tay nghề thế giới lần này.
Hơn tất cả, đó là những khởi sắc cho sự phát triển của ngành, cho chúng ta tin tưởng vào một con đường tất yếu để GDNN cập bến thành công, mang lại những hiệu quả thực sự, tác động vào sự thay đổi nền giáo dục, cũng như nền kinh tế, xã hội. Năm học 2019-2020, GDNN sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo; đa dạng hóa phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; kịp thời cung ứng nguồn nhân lực vững tay nghề cho các Tập đoàn, doanh nghiệp.
Trong một sự kiện gặp gỡ Lãnh đạo Nhà nước vô cùng ý nghĩa này, 50 đại biểu nhà giáo, các nhà quản lý ngành GDNN đã lắng nghe những ý kiến quý báu của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng của đơn vị để vận hành tốt nhất công tác GDNN.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các nhà GDNN tiêu biểu và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà GDNN trên cả nước, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước khẳng định: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ghi nhận những chuyển biến, thay đổi tích cực trong lĩnh vực GDNN. Đây là một chương trình trọng điểm được nhà nước quan tâm, đầu tư, nhằm thúc đẩy lĩnh vực đào tạo nghề phát triển một cách thực tế nhất, đóng góp vào công cuộc phát triển ổn định nền kinh tế, xã hội, tạo ra những giá trị cho người lao động. Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, nhiều nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế, quy mô đào tạo ngày càng tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cải thiện. Những kết quả đó không chỉ chứng tỏ năng lực, trí tuệ của thầy, trò mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, là sự kết tinh của lao động trí óc, sự phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ thầy giáo, cô giáo các cơ sở GDNN trên cả nước.
Để lĩnh vực GDNN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của hệ thống GDNN trong giai đoạn hiện nay. GDNN rất cần sự tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và coi đây là giải pháp đột phá để phát triển GDNN. Bên cạnh đó, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến nhằm động viên đội ngũ thầy cô giáo và HSSV trong công tác giảng dạy và học tập. Phát động các hình thức thi đua sâu rộng trong toàn ngành để tạo ra phong trào thực học, thực hành nghiêm túc và chất lượng. Chúng ta chỉ có thể phát triển, khi thực sự chú trọng vào nguồn lực con người, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quân chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy Bùi Quang Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục HPC và đại biểu các Trường
Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội vinh dự trở thành một trong 50 đơn vị giáo dục tiêu biểu được gặp gỡ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Hơn tất cả, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường ý thức được sứ mệnh, trọng trách của nhà trường trong sự nghiệp phát triển GDNN Việt Nam. Cam kết chất lượng, trách nhiệm đến cùng, mục tiêu của HPC – đó chính là xây dựng, phát triển một ngôi trường kiểu mẫu, tạo ra một “hệ sinh thái” giáo dục mang thương hiệu HPC, đem lại những giá trị nhân văn và bền vững cho cộng đồng.