Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội

HomeKhoa Kinh TếSinh viên khoa Kinh tế HPC tham dự Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024

Sinh viên khoa Kinh tế HPC tham dự Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024

Ngày 11/1/2024 tại Hà Nội, sinh viên khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Công nghệ bách khoa Hà Nội đã tham dự Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế – Hà Nội.

Bạn Hà Thị Minh Ngọc và Minh Quân – sinh viên khoa Kinh tế HPC chăm chú theo dõi phiên thảo luận 1.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024

Mục tiêu và cách tiếp cận của Diễn đàn tập trung phân tích các cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh quốc tế với nhiều biến số bất định và khó lường. Đồng thời, đánh giá khả năng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Diễn đàn gồm 3 phiên, gồm 1 phiên tham luận và 2 phiên thảo luận. Phiên tham luận được thực hiện với 3 báo cáo chính của 3 chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam, với các chủ đề: Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024; Kinh tế Việt Nam năm 2023 – 2024 nhìn từ động lực tăng trưởng mới; Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Bối cảnh quốc tế mới: Thách thức và động lực tăng trưởng mới đối với Việt Nam”. Phiên thảo luận 2 được tiếp nối với chủ đề “Thúc đẩy Cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Các bạn sinh viên khoa Kinh tế HPC không hề choáng ngợp khi tham dự một sự kiện lớn.

Bạn Mai Uyên nói rằng, theo dõi bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, bạn đã có thêm nhiều hiểu biết mới.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận định rằng “Kinh tế thế giới 2024 vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc”, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, cần đánh giá tác động đối với kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xác định các điểm thuận và không thuận, tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, đồng thời nhận diện các cơ hội mới để Việt Nam bứt tốc, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn bạn Hà Thị Minh Ngọc thì ngưỡng mộ sự am hiểu sâu rộng về kinh tế thế giới và Việt Nam của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi ông điều hành phiên thảo luận “Bối cảnh quốc tế mới – thách thức và động lực tăng trưởng đối với Việt Nam. Với sự điều hành của Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phiên thảo luận thứ nhất đã ghi nhận được những ý kiến, giải pháp mới của nhiều chuyên gia kinh tế nhằm góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam…

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Sinh viên khoa Kinh tế HPC chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Đối với sinh viên HPC Minh Quân, tham dự diễn đàn là một trải nghiệm tuyệt vời khi được tiếp cận với những thông tin kinh tế tầm vĩ mô từ các chuyên gia tầm cỡ của Việt Nam và thế giới.

Ông Suan Teck Kin, CFA Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu Tập đoàn UOB, cho rằng: “Việt Nam đã vượt qua một năm khó khăn với mức tăng trưởng 5,05%. Triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng – các hoạt động “friend-shoring” sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động”. Theo ông Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn: Tăng chi tiêu vốn để nâng cao năng suất và hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ông Suan Teck Kin

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định năm 2024, Việt Nam có thể tranh thủ kích thích tăng trưởng mà không quá lo vì lạm phát có thể được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra..

TS. Cấn Văn Lực

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC cho rằng: Lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ cho phép Việt Nam hưởng lợi và đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới và cách làm việc/cách tương tác mới, và tiếp tục duy trì vị thế điểm đến FDI hấp dẫn. Tôi tin rằng Việt Nam có những nền tảng cơ bản mạnh mẽ giúp đất nước này tiếp tục vững vàng tăng trưởng”.

Ông Ahmed Yeganeh

Tham dự sự kiện kinh tế khởi đầu năm 2024 với những thông tin đa chiều về kinh tế thế giới và Việt Nam, những điểm sáng của kinh tế Việt Nam cũng như những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt cùng những đề xuất, kiến giải của các chuyên gia, các bạn sinh viên khoa Kinh tế HPC càng có thêm sự tự tin vào ngành học của mình với những dự cảm tốt về kinh tế nước nhà trong năm 2024.

Bài viết mới nhất

Chuyên mục

tin tức liên quan

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hiện được xem là ngành sáng giá cho những bạn trẻ tìm kiếm cơ hội...
Ngày 21/2/2024, trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC) đã có buổi làm việc với đại diện...
Đây là cơ hội mới vô cùng rộng mở cho sinh viên HPC học nghề và làm việc tại Đức.
Ngày 16/2/2024, tại Cơ sở 2 Thanh Trì, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC) đã diễn...
Hiện nay, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô đang được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn được chính...