Hội thảo “Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 – bài học trong đào tạo nghề nghiệp và huấn luyện thí sinh”

Việc đào tạo thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới hiện nay vẫn chỉ nhỏ lẻ theo từng trường. Chúng ta cần có chiến lược quốc gia về đào tạo thi tay nghề cấp khu vực và thế giới.

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội thảo “Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 – bài học trong đào tạo nghề nghiệp và huấn luyện thí sinh”. Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Để thay đổi về lựa chọn nghề nghiệp, vấn đề trước tiên là thay đổi nhận thức từ xã hội, cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Đồng thời cần có sự thay đổi trong truyền thông về học nghề, nhất là những nghề mới để lan tỏa những giá trị, hình ảnh nghề đem lại.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin về công tác tổ chức kỳ thi tay nghề các cấp.

“Việc tổ chức và lựa chọn thí sinh tham gia các kỳ thi tay nghề không chỉ đơn thuần là lấy thành tích mà xa hơn là chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, những nghề mới, mô hình đào tạo. Theo dự báo, trong 5 – 10 năm tới sẽ có 44% lao động toàn cầu sẽ đào tạo lại do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay thế của rô bôt, trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ đào tạo này ở Việt Nam sẽ cao hơn mức thế giới”, ông Trương Anh Dũng nhận định.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục nghề trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có nhiều nghề trình diễn trong kỳ thi tay nghề thế giới vừa được tổ chức tại Nga. “Từ danh mục này soi chiếu vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho thấy, việc đào tạo nghề cho thi tay nghề thế giới vẫn manh mún, nhỏ lẻ ở từng trường; chưa có chiến lược quốc gia về đào tạo thi tay nghề khu vực và thế giới”, ông Trương Anh Dũng nhận xét.

PGS TS Dương Đức Lân – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Cố vấn cao cấp Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đồng thuận với ý kiến của ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): Việc đào tạo, tổ chức thi tay nghề cần có sự tham gia của doanh nghiệp bởi đây là lực lượng dẫn dắt khoa học công nghệ mới. Sự hợp tác 3 bên gồm quản lý nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp từ kỳ thi tay nghề sẽ cập nhật mô hình, công nghệ mới, đào tạo mới các nghề trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Kỳ thi tay nghề thế giới mới đây tại Nga, có 30 nghề mới dự báo sẽ phổ biến trong tương lai là những mô hình Việt Nam cần định hướng tìm hiểu, học tập để đào tạo.

Đứng ở góc độ thí sinh, em Trương Thế Diệu, Huy chương Bạc Kỳ thi tay nghề Thế giới 2019 thừa nhận: Vấn đề thí sinh quan tâm nhất là được luyện tập thường xuyên trước khi thi. Bởi khi thao tác với máy móc hiện đại và lập trình chi tiết, nếu thường xuyên được luyện tập thực hành sẽ biết được những lỗi để từ đó có phương án khắc phục. Do đó, rèn luyện kỹ năng tại các trường nghề sớm được cập nhật thường xuyên sẽ giúp sinh viên, học sinh không bỡ ngỡ trước các kỳ thi và đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Từ đóng góp của các chuyên gia, các trường nghề, doanh nghiệp, trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đề xuất cập nhật, chính sách về công tác tổ chức, hỗ trợ tài chính; xây dựng đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ thi tay nghề các cấp và quốc gia; chuẩn bị tham dự thi tay nghề ASEAN, châu Á và thế giới; hình thành các trung tâm huấn luyện thí sinh gắn với công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; có cơ chế khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp tham gia huấn luyện và cử thí sinh dự thi…

Theo baotintuc.vn

CHIA SẺ