Cô Ngô Thùy Nhung: Tiếng Hàn cho tôi niềm đam mê và trải nghiệm công việc thú vị

Viết về cô ấy, đồng nghiệp của tôi một thời, (dù rằng, chúng tôi chưa từng biết nhau cho đến khi về trường công tác). Nhưng chỉ trong câu chuyện thoáng qua giữa tôi và Nhung, tôi nhận ra cô gái ấy rất mạnh mẽ, bản lĩnh, và đặc biệt rất có tố chất báo chí, đúng với cái nghề mà cô đã học.

Nhưng “tố chất” chỉ là một chuyện, còn niềm đam mê, nhiệt huyết mới là chất xúc tác để ta yêu thích, gắn bó và thành công với một công việc. Lý lẽ này, trả lời giúp tôi câu hỏi vì sao tôi lại đặt bút viết về Nhung, một cô gái sinh năm 1993, quê Thanh Hóa.

Cô gái ấy, lẽ ra theo nghiệp báo, gai góc với những mảng bài phóng sự xã hội tại báo tỉnh Thanh Hóa, hay website Dantri và nhiều báo, đài khác mà cô cộng tác, ngay từ thời còn là sinh viên của Học viện Báo chí Tuyên truyền. Nhưng, cô rẽ ngang. Bước ngoặt ấy đánh dấu bằng việc lựa chọn một ngôn ngữ mình yêu thích để học, đó chính là tiếng Hàn. Để sau 2 năm nỗ lực học tập, cô được chọn để trở thành giảng viên dạy tiếng Hàn nơi chính mái trường mình đã theo học.

Cô gái ấy là Ngô Thùy Nhung, giáo viên dạy tiếng Hàn của trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa Hà Nội.

Cô Nhung chia sẻ: Chọn học chuyên ban C, những ngày còn cắp sách đến trường, Nhung tham gia đội tuyển quốc gia, lớp 12 thi học sinh giỏi cả ba môn Văn – Sử – Địa, và đạt giải nhì môn Văn. Ngày đó, cô cũng như các bạn đồng trang lứa thường mang những suy nghĩ mộng mơ của tuổi mới lớn, khi tốt nghiệp cấp 3, sẽ chỉ chọn đăng ký thi vào Top trường Đại học lấy điểm cao, vì cho rằng vào học những trường đó, cơ hội việc làm sẽ cao, lựa chọn công việc dễ dàng.

Bốn năm là sinh viên của Học viện Báo chí Tuyên truyền mang lại cho Nhung nhiều trải nghiệm thú vị. Tuy vậy, khi ra trường, công việc của một người làm báo cuốn Nhung vào vòng công việc hối hả, gấp rút, đôi khi tưởng như “không còn khoảng thở ” cho mình. Bận mải là thế, nhưng sự gò bó của cuộc sống, của nghề nghiệp luôn là dấu hỏi thường trực, để Nhung đau đáu về một công việc mang lại cho mình niềm đam mê bất tận mỗi ngày.

Và, quyết định học tiếp khóa Trung cấp Tiếng Hàn tại Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa Hà Nội, sau khi đã là cử nhân của Học viện Báo chí Tuyên truyền, như là một cái duyên đã định sẵn với Nhung. Cái duyên đó, neo lại trong cô một sức hút, cho cô sự hứng thú, say mê học hỏi, khám phá mỗi ngày.

Nhung cho biết: Trước khi trở thành sinh viên của Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa Hà Nội, cô đã tìm hiểu rất kỹ, việc học tiếng Hàn ở các trung tâm ngoại ngữ chỉ được cấp chứng chỉ, còn học tại Trường thì được cấp bằng trung cấp chính quy, được đào tạo tiếng Hàn 2 năm trong một môi trường giáo dục chuyên nghiệp, các thầy cô tận tình, phương pháp giảng dạy phong phú, và đặc biệt được học với giáo viên bản địa. Các giáo viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, mỗi thầy cô đều có phương pháp dạy khác nhau, dễ học, dễ hiểu, quan tâm tận tình đến mỗi sinh viên, từ cách phát âm, nắm vững ngữ pháp, hướng dẫn giao tiếp tiếng Hàn…

Bí quyết học tiếng Hàn của Nhung là chăm chỉ học từ mới, nắm chắc cấu trúc ngữ pháp, vốn yêu thích Kpop, mê nhạc Hàn, nên hàng ngày cô đều dành thời gian xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc để học cách phát âm, quan sát những biểu cảm trong ngữ điệu của người Hàn.

Với thành tích học tập tốt, cô được giữ lại trường làm giảng viên tiếng Hàn. Nhung chia sẻ: Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ lại làm nghề giáo, được đứng trên bục giảng. Buổi đi dạy đầu tiên lắng đọng nhiều cảm xúc, nhìn những ánh mắt học trò trong sáng, háo hức với bài giảng, tôi tự thấy từ đây sẽ gắn bó với nghề giáo, với mái trường đã mang lại cho mình những cơ hội học tập, và làm việc rất tốt. Tiếng Hàn cho tôi niềm đam mê, yêu thích, và say sưa khám phá. Văn hóa Hàn, đời sống Hàn, con người Hàn được mở ra trong thế giới hiểu biết của riêng mình. Điều đó thật tuyệt vời, đúng với một câu nói: Biết thêm một ngoại ngữ – Sống thêm một cuộc đời. Bởi vậy, tôi muốn truyền giảng niềm đam mê đó đến lớp lớp thế hệ học trò, để các em biết thêm một ngoại ngữ, có những cơ hội lựa chọn nghề nghiệp thực tế nhất, ổn định nhất.

Hàng tuần, cô đi dạy ở các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh… Học sinh rất thích những tiết học của cô, các em háo hức với từng bài giảng, say mê khám phá tiếng Hàn. Cô Nhung bày tỏ: Được là sinh viên hệ Trung cấp tiếng Hàn của nhà trường, được Ban Giám hiệu  tạo điều kiện để trở thành giáo viên dạy tiếng Hàn, tôi luôn luôn cảm ơn nhà trường đã cho tôi con đường đi của ngày hôm nay. Tôi mong muốn, nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ tôi có được học bổng du học Hàn Quốc, để tôi được học tập, trau dồi thêm kiến thức, ngôn ngữ tại xứ sở Kim Chi, xây dựng nền tảng kiến thức vững vàng, để trở về góp phần xây dựng, phát triển nhà trường.

Nhung thấy mình may mắn vì đã có lựa chọn đúng cho công việc. Trước ngưỡng cửa của cuộc đời, khi còn trẻ, ai cũng thường nghĩ cái đích cuối cùng phải vào là Đại học. Nếp nghĩ ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của cả các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng hãy nghĩ xem, với số lượng sinh viên học đại học thất nghiệp nhiều như vậy, rồi bản thân cô cũng từng loay hoay với công việc, cảm thấy chật chội, không đủ sức theo nghề, mặc dù, nghề Báo Nhung chọn cũng đã là một nghề hót. Vậy nên, tỉnh táo lựa chọn quyết định hướng đi cho cuộc đời mình là cần thiết, đừng vì những mộng mơ của tuổi mới lớn, mà xa rời thực tế. Lựa chọn học Trung cấp tiếng Hàn của Nhung, đã mang lại cho cô những cơ hội , những trải nghiệm công việc đầy hứng thú, và hơn tất cả, lựa chọn học tiếng Hàn là một ngành học đầy thực tế hiện nay.

Cầm Thi