Đầu tháng 7 vừa rồi (7/7/2023), Hội đồng Liên bang Đức đã thông qua luật Nhập cư mới với một hệ thống điểm, theo đó giảm yêu cầu đối với lao động có tay nghề đi làm việc tại Đức muốn xin nhập cư, dựa theo trình độ chuyên môn, tuổi tác và kỹ năng ngôn ngữ. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên HPC đang hướng đến thị trường lao động Đức.
Chính sách mới đối với lao động nước ngoài
Luật được thông qua không chỉ mở rộng cơ hội cho những người lao động có tay nghề cao mà còn biến Đức thành điểm đến hấp dẫn của những lao động lành nghề đến từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài việc cải cách luật để cho phép công dân có thể mang hai quốc tịch, luật mới cũng loại bỏ một số rào cản đối với việc nhập quốc tịch, cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện tại.
Một điểm quan trọng của luật mới là các yêu cầu về tiền lương để nhận được thẻ xanh, mà Đức áp dụng cho những người không thuộc EU có bằng đại học từ năm 2012, sẽ được hạ xuống.
Theo đó, mức lương để nhận một việc làm ở Đức sẽ giảm xuống còn 43.800 euro (trước thuế)/năm (tương đương 3.650 euro/tháng), thay vì mức 58.400 euro/năm (4.860 euro/tháng) như trước đây.
Không những thế, theo cải cách này, những người lao động lành nghề có thể theo đuổi bất kỳ công việc đủ điều kiện nào, nghĩa là họ có thể làm việc trong lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn ban đầu của mình.
Một điểm đáng chú ý nữa trong luật mới là Đức có kế hoạch cấp thị thực dành cho người tìm việc mới, gọi là “Thẻ cơ hội” (Chancenkarte), theo đó cho phép những người đến Đức tìm việc làm có thời hạn một năm để tìm việc với điều kiện tự đảm bảo được cuộc sống của họ.
Để có được “Thẻ cơ hội”, người nhập cư phải đạt ít nhất 6 trong tổng số tối đa 10 điểm, được tính dựa trên các yếu tố như trình độ, trình độ tiếng Đức, tuổi tác và mối liên hệ với nước Đức.
Dự kiến, những yêu cầu tối thiểu về kỹ năng tiếng Đức sẽ được hạ thấp – cấp độ cần để đủ điều kiện đăng ký “Thẻ cơ hội” – từ A2 xuống A1. Một bổ sung mới khác của luật là thẻ có thể được gia hạn đến 2 năm nếu người nộp đơn có thể xuất trình hợp đồng lao động đối với công việc đủ điều kiện và Cơ quan việc làm Liên bang chấp nhận.
Với những lao động có tay nghề thuộc các nước ngoài EU, trở ngại cũng ít hơn, theo đó họ có cơ hội bắt đầu làm việc tại Đức ngay cả khi trình độ được chứng nhận không hoàn toàn đúng với ngành nghề họ đã chọn.
Ngoài ra, cải cách cho phép người lao động có tay nghề có được giấy phép định cư lâu dài sau 3 năm thay vì yêu cầu 4 năm như trước đây.
Luật cư trú cũng sẽ được thay đổi. Cho đến nay, luật quy định rằng người nhập cảnh vào Đức phải mang thị thực có một mục đích cụ thể.
Điều này có nghĩa là, ví dụ, một người đã vào Đức bằng thị thực du lịch và được mời làm việc ở Đức, trước tiên phải rời khỏi nước này và nộp đơn xin thị thực mới, có mục đích cụ thể. Trong tương lai, điều này sẽ không còn cần thiết nữa.
Theo luật mới, cơ hội đoàn tụ gia đình cũng sẽ được mở rộng, có nghĩa là không chỉ vợ/chồng và con cái người nhập cư sẽ có thể cùng họ đến Đức trong tương lai, mà cả bố mẹ và bố mẹ chồng.
Theo những cải cách, những người xin tị nạn đang làm thủ tục cũng sẽ có cơ hội bắt đầu học nghề hoặc nhận việc làm. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 29/3/2023 trở về trước và không áp dụng cho những người xin tị nạn mới, nhằm tránh khuyến khích làn sóng di cư.
Đức đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Chính phủ liên minh của Đức muốn thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Dân số Đức tăng lên 84,3 triệu người vào năm 2022, chủ yếu do số lượng người nhập cư tăng kỷ lục. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân sự khi những người lớn tuổi dần rút khỏi lực lượng lao động.
Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết hơn 50% số công ty của nước này đã phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng do thiếu lao động lành nghề. Tỷ lệ các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng ở mức cao chưa từng có. Theo kết quả khảo sát 22.000 công ty, 53% các công ty báo cáo tình trạng thiếu hụt lao động.
Vậy là nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản như sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC) ra trường sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm tại Đức. Bạn đừng bỏ qua cơ hội được học song ngành: chuyên môn và tiếng Đức tại HPC để sẵn sàng đi làm việc tại Đức nhé.