Nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC) phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2023.
Startup Kite 2023 – sáng tạo khởi nghiệp Gen Z
Cuộc thi là sân chơi bổ ích để sinh viên thể hiện các ý tưởng, khả năng tìm tòi sáng tạo, khám phá, phát huy năng lực bản thân, ứng dụng các kỹ năng vào cuộc sống; Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chế tạo các sản phẩm có khả năng thương mại hóa; Tôn vinh những ý tưởng/ dự án khởi nghiệp xuất sắc; Hỗ trợ các ý tưởng/ dự án khởi nghiệp của sinh viên tham gia vào vòng bán kết, chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2023 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Cuộc thi còn là tiền đề để Nhà trường thành lập các Câu lạc bộ Sáng tạo Khởi nghiệp, Trung tâm sáng tạo khởi nghiệp HPC.
Startup Kite 2023 – sân chơi bổ ích của sinh viên HPC
Thầy Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đảm bảo chất lượng – Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội cho biết: Dự án Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” không nhất thiết phải là các sản phẩm, mô hình, dịch vụ cụ thể đã có, mà còn là các “ý tưởng” mới về các dự án/mô hình/dịch vụ/sản phẩm.
Các ý tưởng hay, có tính khả thi sẽ được chọn tham gia vào vòng bán kết, chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2023 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức vào cuối năm nay, theo quy định, đồng thời được Nhà trường hỗ trợ, ươm mầm, hiện thực hóa ý tưởng.
Đối tượng tham gia dự thi:
– Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC)
– Có thể đăng ký thi theo hình thức cá nhân hoặc một đội thi (không quá 5 người);
– Mỗi thí sinh, đội thi có thể đăng ký nhiều ý tưởng/dự án khởi nghiệp.
Tiêu chí chấm điểm:
– Tính mới, sáng tạo, giá trị khác biệt của ý tưởng/dự án khởi nghiệp so với các sản phẩm đã có trên thị trường, tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ;
– Tính khả thi, tính cạnh tranh của ý tưởng/dự án khởi nghiệp; sự hiểu biết về thị trường; kế hoạch mở rộng thị trường;
– Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật;
– Thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện;
– Tính hiệu quả kinh tế – xã hội và ứng dụng thực tế.
Quyền lợi của người tham gia dự thi:
– Cá nhân và tập thể tham dự được sử dụng tài liệu, các trang thiết bị của Nhà trường để khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm để hoàn thiện sản phẩm;
– Cá nhân và tập thể tham dự được tập huấn thuyết trình và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ ý tưởng;
– Các ý tưởng lọt vào vòng bán kết, chung kết sẽ được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện;
– Các ý tưởng được giải cấp trường, vòng bán kết, chung kết sẽ nhận được giấy khen của Hiệu trưởng và khen thưởng của Nhà trường.
– Ý tưởng/dự án xuất sắc sẽ được Nhà trường chọn tham gia vòng bán kết, chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2023 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức vào cuối năm nay.