Cô Nguyễn Diễm Hương – Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc chia sẻ: Đặc trưng của ngành ngôn ngữ là các công việc liên quan tới giao tiếp như: Biên dịch, phiên dịch, giảng dạy, hướng dẫn viên,… Do đó, ngay từ học kỳ đầu tiên của năm nhất các em đã được nhà trường đào tạo về kỹ năng này. Đây cũng là kỹ năng được đào tạo xuyên suốt cho các em trong quá trình học. Đặc biệt, với một ngôn ngữ mới, các em giống như một “tờ giấy trắng”, nên để có thể giao tiếp một cách thành thạo các em cần phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng.
– Cô nhận định thế nào về vai trò của kỹ năng nghe – nói trong giao tiếp?
Cô Nguyễn Diễm Hương: Trong giao tiếp, con người dành trên 65% cho nghe – nói, còn lại là đọc, viết. Như vậy có thể thấy rằng, kỹ năng nghe – nói đóng vai trò quan trọng quyết định năng lực giao tiếp của một người.
Kỹ năng lắng nghe là kỹ năng quan trọng nhất để thành công trong mọi cuộc giao tiếp. Lắng nghe giúp ta thu thập được nhiều thông tin để giải quyết vấn đề; giúp ta hiểu người khác và ứng xử sao cho phù hợp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lắng nghe và lắng nghe thế nào cho hiệu quả.
Trong khi đó, kỹ năng nói giống như chiếc gương phản chiếu chính bản thân mỗi người. Thông qua ngôn ngữ và cách biểu đạt mà chúng ta có thể đánh giá trình độ giao tiếp cũng như tình cảm, thái độ của một người.
Đối với sinh viên theo học ngành ngôn ngữ tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội, các em được đào tạo chuyên sâu cả về 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nghe – nói chính là cơ sở để các em có thể đọc, viết tốt. Do đó, nội dung thực hành rất được chú trọng tại HPC. Nói như vậy không có nghĩa phần thực hành và ngữ pháp sẽ tách rời với nhau. Để sinh viên tiếp thu một cách hiệu quả nhất, các tiết học ngôn ngữ tại HPC sẽ được thiết kế đan xen giữa lý thuyết và thực hành.
– Cô có thể chia sẻ một số phương pháp giúp sinh viên nghe – nói một cách hiệu quả?
Cô Nguyễn Diễm Hương: Một thực trạng khá phổ biến đối với những người học ngôn ngữ, đó là có thể đọc, viết tốt, nhưng phần thực hành nghe – nói thì ngược lại. Nguyên nhân là do các em thiếu vốn từ vựng, hoặc phát âm sai từ. Vậy làm thế nào để các em có thể nghe – nói tốt. Rất đơn giản, hãy chăm chỉ học từ mới và thực hành chúng thường xuyên.
Đối với sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, bên cạnh những giờ thực hành trên lớp, tôi thường khuyến khích các em đọc sách, nghe nhạc hay xem phim tiếng Hàn, chủ động giao tiếp với người Hàn. Ngoài ra, rất nhiều em năng động đi làm thêm cho các công ty Hàn Quốc. Đó là cách hiệu quả, không chỉ giúp các em cải thiện kỹ năng của mình, đồng thời bồi đắp những kinh nghiệm làm việc, tạo hành trang vững chắc sau khi tốt nghiệp.
Mời các bạn cùng ghé thăm lớp K18.KR3.14, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc trong tiết thực hành nghe – nói: