(Câu chuyện của sinh viên HPC Tạ Ngọc Tuân, ngành Thiết kế đồ họa, trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC))
Mẹ em tay run lẩy bẩy, đặt bụp cốc nước xuống bàn, rồi ôm mặt khóc: “Con ơi… Trượt rồi phải làm thế nào đây? Bao nhiêu năm học hành, mà lại …”. Đó là cảnh tượng gần 3 năm về trước, khi em phải thông báo với mẹ rằng mình đã trượt ngành quân y.
Em nhớ rõ những ngày ôn thi đại học, khi gánh nặng đặt lên vai mình: “Con cố gắng học để thi quân y nhé! Mẹ muốn con vào quân đội để làm cho Nhà nước”. Lúc đó, em cũng rất cố gắng học tập, vì biết mẹ kỳ vọng vào mình nhiều thế nào, và em biết định hướng của mẹ sẽ tốt cho mình sau này.
Thế nhưng …
Tin trượt đại học đến tai, em cũng sốc nặng vì mình đã đặt quá nhiều sức lực và tâm huyết. Nhưng em biết người buồn hơn là mẹ của mình. Em nghĩ, lúc này, dù buồn nhưng bản thân cũng cần phải tìm con đường mới, để mẹ đỡ phải suy nghĩ nhiều.
Lục lại những gì mình có: Năng khiếu nghệ thuật, một chiếc máy tính và kỹ năng sử dụng máy tính được trui rèn từ những năm cấp 3, em chợt lóe lên ý tưởng: Tại sao không học gì liên quan đến máy tính nhỉ? Thế rồi, em lên mạng tìm hiểu các trường đào tạo ngành Thiết kế đồ họa. Và em quyết định trở thành sinh viên của trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC).
Theo dõi nhiều câu chuyện của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa HPC tại đây!
“Con ơi, học cái này (Thiết kế đồ họa) liệu có khó xin việc không? Lương, liệu có đủ ăn không? Con có biết sự cạnh tranh nhiều lắm không?”, mẹ em lo lắng về một tương lai có thể bấp bênh.
Trước lo lắng của mẹ, em không biết nói gì, chỉ cố gắng chứng minh cho mẹ thấy bằng việc chăm chỉ học tập và làm việc.
Thời gian trôi nhanh lắm, em trở thành sinh viên HPC được gần 3 năm và hoàn thành thực tập, chuẩn bị ra trường. Nhớ lại hồi chuẩn bị đi thực tập, em suy nghĩ rất nhiều về những điều mẹ nói và lo sợ về tương lai khó tìm việc ổn định. Chắc đây cũng là nỗi lo chung của sinh viên chuẩn bị ra trường. Em thấy bạn em cũng vậy. Thế nhưng, kỳ thực tập vừa rồi đã khiến em thay đổi suy nghĩ.
***
Bước vào một công ty điện thoại (công ty em lựa chọn và xin thực tập) ngày đầu tiên, em nhận nhiệm vụ thiết kế các ấn phẩm quảng cáo cho công ty, quay dựng video, viết nội dung. Em chưa bao giờ nhận nhiều việc căng thẳng và áp lực đến thế, nhất là khi những sản phẩm mình làm chưa được công nhận.
– “Em ơi, content (nội dung) này chưa đạt, em viết lại nhé!”
– “Em ơi, video này em dựng tốt, nhưng chắc không được đăng đâu vì người trong video nói sai nội dung rồi”.
– “Em ơi, em làm sai tên sản phẩm, sai mã sản phẩm rồi”.
Mỗi lần nghe tiếng gọi “em ơi”, em lại giật bắn mình vì sợ vừa làm sai cái gì đó. Em nghĩ lại thấy mẹ nói đúng thật. Ngành thiết kế đồ họa này… áp lực ghê.
Đợt em muốn bỏ cuộc nhất là khi bị sếp nghi ngờ năng lực của mình. Em nghe thấy chị ấy hỏi mọi người trong phòng: “Liệu bạn ấy (là em) có làm được việc không?”. Vừa buồn, vừa giận bản thân, em nghĩ hay là do mình học chưa đủ, chắc mình không làm được nữa.
Em đến trường tâm sự với thầy Nguyễn Thái Học (giảng viên Ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Công nghệ Thông tin, HPC). Thầy chỉ dạy em thêm vài điều giúp em làm việc tốt hơn và động viên em cố gắng thêm nữa. Được thầy “bơm cho vài liều doping”, em lại đến công ty và sửa những gì mình làm chưa ổn.
Nhiều hôm có giờ học trên trường, em lại tập trung lên học, cuối giờ chiều lại chạy gần 15km đến công ty để làm nốt các phần việc chưa hoàn thành. Có hôm em làm từ 5h chiều đến 9h tối, có hôm muộn hơn, khoảng 10h, 11h đêm. Dù mệt nhưng em vẫn rất vui vì hoàn thành công việc. Các anh chị ở đây thấy em nỗ lực cố gắng thì bắt đầu ghi nhận và hỗ trợ em nhiều.
Dần dần, em được mọi người trong bộ phận tin tưởng giao cho công việc quan trọng. “Hình như mình được công nhận rồi. ‘Liều doping’ của thầy Học có tác dụng hay quá”, em nghĩ thầm trong bụng và thấy vui cả ngày.
***
Đến nay, em đã kết thúc thực tập được vài tháng. Tin vui là em đã được mời ở lại công ty làm việc, với mức lương như nhân viên chính thức, dù vẫn đang chờ lấy bằng tốt nghiệp. Em cũng chuẩn bị “hoàn vốn” cho mẹ những năm tháng học tại trường HPC. Quan trọng hơn cả, là em có thể tạm thời khiến mẹ an tâm với lựa chọn của mình, dù em biết em còn phải cố gắng rất nhiều mới có thể đem lại sự an tâm lâu dài cho mẹ.
Mẹ và em, dù từng rớt xuống “vực thẳm” của sự thất vọng, thì lại có thể đứng lên đầy tự tin, nhờ việc em trở thành sinh viên HPC.
Sau tất cả những cung bậc cảm xúc đã trải qua, em nghĩ, còn gì để tiếc nuối nữa? Em đang rất sẵn sàng bước vào chặng đường mới, với một trải nghiệm “Thiết kế đồ họa HPC” thực sự không thể nào quên!
Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa HPC có gì vui?
Chấp bút: Cô Phương Anh – Phòng Truyền thông