Mục tiêu của Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)
Mục tiêu chung của GDNN là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe, có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học, sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Cùng với xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã, đang hội đủ các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của cuộc cách mạng 4.0. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực được quan tâm, đổi mới.
Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW, ban hành ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã nêu rõ một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có yêu cầu: Phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về hội nhập quốc tế, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ, trong đó có quy hoạch nghề trọng điểm. Theo đó, cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao trong năm 2020. Đồng thời, Bộ đã ban hành Quy hoạch nghề trọng điểm, gồm 62 ngành, nghề được quy hoạch trọng điểm cấp độ quốc tế, 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN, 134 nghề cấp độ quốc gia; ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng…
Trong giai đoạn phát triển mới, GDNN nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức, từ những nhu cầu đào tạo như: nhu cầu đào tạo cho đối tượng người học mới, đối tượng chuyển đổi nghề nghiệp, đối tượng học bổ sung, nâng cấp trình độ và đào tạo lại; đáp ứng cả về số lượng, chất lượng, tính hiệu quả của lực lượng lao động với thị trường gần 54 triệu lao động của đất nước, góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, ổn định kinh tế, xã hội
Bên cạnh đó, GDNN cũng cần đáp ứng đồng thời 2 nhiệm vụ hết sức lớn lao do đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 đặt ra, đó là phải đào tạo được những nghề mà việc làm chưa từng tồn tại trước đó và nghề mà việc làm sử dụng công nghệ chưa từng được phát minh.
Xu thế của GDNN nước ta trong thời gian tới
Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo ra những bước chuyển mình đột phá trong đào tạo nhân lực. Đó là các ứng dụng dạy học kết hợp truyền thống và hiện đại; phương pháp đào tạo trực tuyến,… Thời đại 4.0 đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Tạo ra mối liên kết giữa các đơn vị giáo dục, giữa đơn vị giáo dục với các tập đoàn trong và ngoài nước, đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Trước những cơ hội và thách thức mà thời đại đang đặt ra, đòi hỏi GDNN nước nhà cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới phát triển theo hướng mở. Trong đó nhấn mạnh đến sự linh hoạt của hệ thống, dỡ bỏ những rào cản đối với người học (địa điểm, khoảng cách địa lý, thời gian, phương thức,…) để mọi người có cơ hội được học và học được, đáp ứng thị trường lao động hoặc chuyển tiếp sang bậc trình độ khác. Cơ sở GDNN cũng phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của người nghèo và các nhóm yếu thế.
Thế giới việc làm 4.0 là thế giới việc làm trong đó con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Để cạnh tranh được, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, còn phải có những kỹ năng rộng hơn, bao gồm các kỹ năng nền tảng tương đối rộng để ứng phó với sự thay đổi. Điều đó bắt buộc giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới, phải xác định được các ngành nghề đào tạo mũi nhọn, phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, phân tích dữ liệu, thiết kế…, nghiên cứu công tác quy hoạch, dự báo về việc làm, về nguồn nhân lực dựa trên thực trạng kinh tế trong từng giai đoạn.
Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, bởi chỉ có doanh nghiệp mới định hướng đúng nhất về công nghệ, yêu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với đội ngũ lao động để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Để làm được điều này, cần xây dựng các hội đồng kỹ năng ngành với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo lao động, việc làm, xác định các tiêu chuẩn ngành… Doanh nghiệp phải tham gia mạnh mẽ vào việc phát triển chương trình, thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo và đào tạo gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm.
Để tăng cường kỹ năng nghề cho lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tích cực chỉ đạo triển khai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội. Các giải pháp đột phá được đặt ra là: Tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; tăng cường kết hợp với doanh nghiệp ở tất cả các cấp độ, mở rộng hợp tác quốc tế để lĩnh hội những kiến thức giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trên thế giới.