Cùng với sự phát triển của xã hội có muôn vàn lý do để bạn học tiếng Anh: giao tiếp dễ dàng hơn, nhiều cơ hội việc làm, giao lưu văn hóa,… Bạn đang trên con đường chinh phục tiếng Anh hay vẫn còn loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu. Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!
1. Có mục tiêu rõ ràng
Có rất nhiều người không thiết lập mục tiêu trong cuộc sống. Vì họ cho rằng đó là điều vô ích. Quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm. Bởi xác định mục tiêu là quá trình cân nhắc cho lý tưởng và tương lai của bạn. Mục tiêu giúp cho bạn tập trung kiến thức, nỗ lực; sắp xếp thời gian và nguồn lực của mình. Từ đó khai thác tối đa năng lực của bản thân để đạt được mục tiêu đề ra.
Đối với tiếng Anh – ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, bạn cần đề ra mục tiêu cụ thể hàng ngày hàng tuần cùng kế hoạch hành động chi tiết, sau đó chăm chỉ thực hiện mỗi ngày mới có thể chinh phục được nó. Chẳng hạn, khi mới bắt đầu bạn đề ra mục tiêu sau 5 ngày có thể thành thạo bảng phiên âm. Cụ thể: 2 ngày đầu học nguyên âm (mỗi ngày 10 nguyên âm); 3 ngày còn lại, mỗi ngày học 8 phụ âm.
Đặt mục tiêu là điều cần thiết khi học tiếng Anh, tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý xây dựng mục tiêu – kế hoạch phù hợp với năng lực của bản thân mình. Bởi mỗi người có tố chất và khả năng tiếp thu khác nhau. Đừng vì nóng vội mà đốt cháy giai đoạn của bản thân. Bởi khi đặt ra mục tiêu quá sức bạn rất dễ bị thất bại, dẫn đến sự chán nản.
2. Tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân
Cụm từ “phương pháp” chắc hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Vậy phương pháp học tiếng Anh là gì? Đâu là phương pháp học tiếng Anh phù hợp dành cho bạn?
Phương pháp học tiếng Anh là cách thức, đường lối có tính hệ thống giúp bạn học tiếng Anh hiệu quả nhất.
Đâu là phương pháp học tiếng Anh phù hợp dành cho bạn?
Đây có lẽ là câu hỏi mà không ít người theo học tiếng Anh đang băn khoăn. Có rất nhiều phương pháp học tập hiệu quả được áp dụng như: phương pháp nghe ngấm – nói đuổi – phản xạ; phương pháp tự học; phương pháp học tiếng Anh qua thực tế;…Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng và đều là được đúc rút từ kinh nghiệm của nhiều người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là làm theo số đông sẽ mang lại hiệu quả dành cho bạn.
Để tìm ra phương pháp học tập phù hợp với cá nhân mình, trước tiên bạn cần biết bạn “muốn” gì. Nghe có vẻ hơi trừu tượng, nhưng bạn có thể hiểu đơn giản đó là việc bạn xác định cách thức hành động phù hợp cho bản thân. Ví dụ: A và B đều tham gia một khóa học tiếng Anh giao tiếp. Như vậy mục tiêu chung của cả hai là có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh sau khi kết thúc khóa học. Tất nhiên cả hai được hướng dẫn bởi giáo viên và tiếp cận với khối lượng kiến thức như nhau. Nhưng để có thể đạt kết quả tốt, ngoài giờ học trên lớp A thường làm thêm các bài tập, đọc sách báo về tiếng Anh. Trong khi, B lại có phương pháp hoàn toàn khác là xem phim, nghe nhạc tiếng Anh mỗi ngày để nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình. Sự khác biệt trong phương pháp của A và B chính là xuất phát từ sở thích riêng của mỗi người.