Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội

HomeTin tứcKỳ vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước

Kỳ vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay?

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân: Nói về thực trạng thị trường lao động, một cách cơ bản là nói về thực trạng bên cung sức lao động (là người lao động) và bên cầu sức lao động (là người sử dụng lao động, lớn nhất là khối doanh nghiệp). Ngoài ra, còn phải nói về hai bên ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động là các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở đào tạo, gồm cả đào tạo trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề.

Vậy thị trường lao động ở nước ta hiện nay thế nào? Tôi cho là chưa có sự thỏa mãn.

Người lao động không thỏa mãn, vì không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo, không hài lòng về thu nhập, không hài lòng về sự bình đẳng hay cơ hội phát triển.

Người sử dụng lao động thì thường xuyên than phiền về chất lượng lao động, về cả ý thức kỷ luật và kỹ năng nghề.

Các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn kiên trì đổi mới để định hướng, hỗ trợ hiệu quả hơn cho sự phát triển của thị trường lao động nói riêng và sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung.

Về việc đào tạo, Đảng, Chính phủ rất quyết tâm đổi mới, tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, bản thân các cơ sở đào tạo đang chịu áp lực lớn về tự chủ, tuyển sinh, đổi mới chương trình,…

Có thể nói, ở Việt Nam đang có một thị trường lao động đúng nghĩa. Đó là quyền lựa chọn nằm ở cả phía cung, phía cầu và cơ sở đào tạo.

Ở đây, tôi xin nói thêm về bên cung, tức người lao động.

Thứ nhất, năm 2018, tổng nguồn nhân lực nước ta khoảng 66,7 triệu người (chiếm 91,9% dân số từ 15 tuổi trở lên), trong đó lực lượng lao động (LLLĐ) là 55,3 triệu người (chiếm 82,9% tổng nguồn nhân lực).

Thứ hai, về cơ bản, lao động Việt Nam hiện nay có thể đảm nhận được hầu hết các vị trí làm việc trong sản xuất kinh doanh dịch vụ. Nhiều ngành nghề trước đây đòi hỏi chuyên gia nước ngoài thì nay lao động Việt Nam đã làm được như trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), dầu khí, viễn thông. Lao động tay nghề cao đã được các thị trường lao động quốc tế từng bước chấp nhận.

Thứ ba, tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, kỹ năng lao động của chúng ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam so với 140 nền kinh tế được đánh giá, tại trụ cột 6 về nhân lực, kỹ năng lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 128, năng lực số của người dân chỉ đứng thứ 98, thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh đứng thứ 104, số bằng sáng chế chỉ đứng 89. Có thể nói, lao động của chúng ta đang thiếu về kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp.

* Phóng viên: Theo quan điểm của ông, việc chưa có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao sát với nhu cầu thị trường lao động, đang có ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề đào tạo nghề nói chung?

GS.TS Lê Quân – Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội

Thứ trưởng Lê Quân: Tôi muốn nói rộng hơn về nguồn nhân lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là tay nghề chuyên môn, mà còn là tính kỷ luật, khả năng học hỏi cái mới, văn hóa ở nơi làm việc…

Thứ hai, nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước không nên giới hạn ở người Việt Nam làm việc ở trong nước, mà còn bao gồm người nước ngoài làm việc ở nước ta và người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, miễn là có đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Từ đó, chúng ta cần có tư duy toàn cầu, tư duy phát triển liên tục và tư duy “chuẩn quốc tế” trong quá trình quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực và đào tạo nghề.

Tư duy toàn cầu là phát triển kinh tế đất nước kết hợp cả nội lực và ngoại lực. Còn tư duy phát triển liên tục là tùy theo sự phát triển của thị trường toàn cầu mà chúng ta điều chỉnh công tác quy hoạch, dự báo và đào tạo. Trong CMCN 4.0, các quốc gia trong khu vực gia tăng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, AI, bigdata, tự động hóa, dịch vụ,…vậy chúng ta thì sao? Rõ ràng, chúng ta cần nắm bắt xu thế.

Tư duy “chuẩn quốc tế” thể hiện rõ nhất trong đào tạo. Khi mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế, có nghĩa là nguồn nhân lực đó có thể làm việc tại Việt Nam, Thái-lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Australia hay Trung Đông cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, khung chương trình, phương pháp đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cần được chuẩn hóa và được công nhận ở cả thị trường quốc tế.

Trong công tác đào tạo, vai trò quy hoạch, dự báo là vai trò chung của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, của các tổ chức tư vấn độc lập, của các doanh nghiệp và của cả các cơ sở đào tạo. Trong đó, rất cần Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra định hướng, hỗ trợ quy hoạch, dự báo dựa theo dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (Bigdata và AI).

Bên cạnh quy hoạch, dự báo, đào tạo, không thể không nhắc đến trách nhiệm và sự cam kết của cơ sở đào tạo. Chính trách nhiệm và sự cam kết của cơ sở đào tạo tạo ra niềm tin cho người học. Thí dụ, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cam kết trả lại kinh phí cho sinh viên nếu ra trường không có việc làm và lương không như dự tính.

Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay trong quy hoạch, dự báo và đào tạo là sự thay đổi nhanh chóng và khó dự báo của các tiến độ công nghệ và tác động của nó đến thị trường lao động. Thí dụ, nhiều ngành nghề sẽ mất đi hay nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, các ngành nghề về văn phòng, liên quan tới lao động thủ công và bán thủ công sẽ có ít nhu cầu hơn. Trong khi đó, những ngành nghề liên quan tới sáng tạo (thiết kế, phân tích…), liên quan tới logistic sẽ xuất hiện.

Phóng viên: Vậy cụ thể, chúng ta cần giải quyết vấn đề khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Quân: Chúng ta cần một chiến lược tổng thể, xuyên suốt và có trọng tâm trọng điểm.

Sự phát triển nguồn nhân lực không thể tách rời mà có quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế. Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế sẽ dẫn dắt chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngược lại, thực trạng nguồn nhân lực sẽ hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cả phát triển kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tôi cho rằng, cần nhìn vào thuyết lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia.

Ở Việt Nam, chúng ta cần dựa vào mô hình tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức. Thí dụ, khi đó lao động sẽ chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động thủ công, sử dụng máy móc cơ khí sang tự động hoá. Do vậy, quy hoạch, dự báo sát và hợp lý thì đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngược lại sẽ là sự lãng phí nguồn lực xã hội, cả nhân lực và tài lực.

Nói riêng về xếp hạng quốc tế, chất lượng và năng lực cạnh tranh của NNL Việt nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Năm 2017, chỉ số phát triển con người xếp thứ 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0,67 đứng thứ 48/157 trên thế giới; Chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu của Việt Nam xếp ở vị trí 92/125 nền kinh tế tham gia xếp hạng với điểm số là 33,41, cao hơn so với điểm trung bình của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng thấp nhất trong tổng số 8 quốc gia Đông – Nam Á tham gia xếp hạng, sau cả Lào (xếp thứ 91/125, điểm số 33,56) và bị bỏ lại ở khoảng cách khá xa so với các quốc gia còn lại như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines.

Liên quan đến gắn kết sự phát triển kinh tế với quy hoạch, dự báo và đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Thí dụ, bài học của đất nước nhỏ bé Estonia trong quá trình trở thành cường quốc công nghệ thông tin của châu Âu hay quốc gia “kỹ thuật số” đầu tiên của thế giới. Hay mới đây, Chính phủ đưa ra thông điệp Make in Vietnam, với kỳ vọng phát triển Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ của thế giới, tôi cho là phù hợp với tiềm năng người Việt Nam và khả năng đầu tư của doanh nghiệp trong nước.

Trước mắt, để giải quyết các khó khăn trong liên kết quy hoạch, dự báo và đào tạo, tôi cho rằng cần thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Lý do là, chỉ có doanh nghiệp mới định hướng đúng nhất về công nghệ, yêu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với đội ngũ lao động của mình để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Để làm được việc này, cần triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Đó là, xây dựng các hội đồng kỹ năng ngành với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo lao động, việc làm, xác định các tiêu chuẩn ngành…. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các cuộc khảo sát doanh nghiệp một cách khoa học và thường xuyên. Doanh nghiệp phải tham gia mạnh mẽ vào việc phát triển chương trình và thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Và đào tạo gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm.

Thứ hai, xác định các ngành nghề mũi nhọn phục vụ cho CMCN 4.0 như: AI, phân tích dữ liệu, thiết kế …. Để thực hiện việc đi tắt đón đầu, cần chuẩn bị đào tạo một tỷ lệ nhất định nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nghiên cứu nghiêm túc về công tác quy hoạch, dự báo về việc làm, về nguồn nhân lực dựa trên thực trạng kinh tế trong từng giai đoạn.

Phóng viên: Thời gian qua, chúng ta đã triển khai thực hiện Quyết định 761 về phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”. Vậy các trường nghề chất lượng cao trong đề án phê duyệt có đáp ứng các mục tiêu đề ra không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quân: Hiện nay, chúng ta chưa tổ chức đánh giá và công nhận trường chất lượng cao. Sau năm năm triển khai Đề án 761 “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”, diện mạo của 45 trường được đầu tư trọng điểm đã có những thay đổi rõ rệt, nhiều trường có sự chuyển biến tích cực về “chất”, như: quy mô tuyển sinh, về phát triển trình độ giáo viên, quản trị nhà trường, cơ sở vật chất thiết bị…

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường còn chưa xác định được rõ trách nhiệm và vai trò của mình để nỗ lực, tập trung nguồn lực đạt được tiêu chí trường và chủ động áp dụng những thành quả cho toàn bộ các ngành, nghề đào tạo của trường. Vẫn có tư tưởng trong giai đoạn này ghi danh là trường chất lượng cao để được đầu tư nhiều hơn và chỉ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, chưa quan tâm nhiều tới các yếu tố khác như quản trị, IT, phối hợp doanh nghiệp mang tính chất tạo sự phát triển bền vững cho nhà trường. Đặc biệt, qua theo dõi và thí điểm đánh giá, trình độ tiếng Anh và tin học của giảng viên chưa đạt được yêu cầu nêu trong Quyết định 761.

Phóng viên: Mục tiêu chính của trường nghề chất lượng cao là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và lực lượng lao động chất lượng cao. Theo Thứ trưởng, thời gian qua, các cơ sở trên đã làm tròn nhiệm vụ này chưa?

Thứ trưởng Lê Quân: Để đào tạo chất lượng cao, nhìn chung cần cơ sở đào tạo tốt, người học tốt hoặc cả hai. Thí dụ, ở Nhật Bản có mô hình đào tạo nghề Kosen mà chúng ta đang hợp tác, triển khai ở Việt Nam. Đó là mô hình đào tạo thu hút được người học giỏi, ra trường có kỹ năng tốt và lương cao. Bối cảnh hiện nay, thị trường thế giới đang xoay trục, châu Á bắt đầu đóng vai trò trọng tâm, trong đó Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh và bền vững trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, du lịch,…Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Quả thực hiện nay chúng ta rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là các vị trí quản lý cấp trung trở lên ở các doanh nghiệp FDI đang là sân chơi của các nhà quản lý người Malaysia, Singapore, Thái-lan…

Đối với đào tạo nghề chất lượng cao, hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường được lựa chọn để đầu tư thành trường chất lượng cao đã đóng vai trò lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn qua và đã thực hiện các chức năng khác của hệ thống (nghiên cứu, thí điểm, đánh giá kỹ năng, bồi dưỡng giáo viên …). Các trường như: Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, Cao đẳng Kỹ thuật Vũng Tàu, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã triển khai đào tạo nhiều ngành như tự động hóa, điều khiển nhà thông minh, chế tạo khuôn mẫu, xí nghiệp số…

Nhiều nghề đã đạt chuẩn quốc tế như nghề hàn của trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 được Hiệp hội Hàn Hoa kỳ công nhận, nghề điện của trường Cao đẳng Cao Thắng đạt theo chuẩn ABET của Hoa Kỳ. 21 trường đã được tiếp nhận các công cụ quản lý hiện đại của Anh. Và trong sáu trường được chuyên gia Anh đánh giá theo tiêu chuẩn OSTED của Anh, có đến bốn trường được xếp hạng “tốt”.

Bên cạnh đó, các trường cũng đang triển khai các chương trình đào tạo được chuyển giao từ từ Australia (12 nghề) và từ Đức (22 nghề). Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng: một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng của Australia hoặc Đức.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang kết nối với doanh nghiệp Australia và Đức để xác định việc làm cho các học sinh được đào tạo thí điểm.

Dự kiến, ngay sau khi kết thúc thí điểm các chương trình của Australia vào cuối năm 2019 và chương trình của Đức vào cuối năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đánh giá và nhân rộng cho toàn bộ hệ thống.

Khi đó, chúng ta đã có những chương trình đào tạo và những cơ sở đào tạo có đủ năng lực về quản trị, bảo đảm chất lượng và đội ngũ nhà giáo để triển khai các chương trình được quốc tế công nhân, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và cơ hội việc làm cho sinh viên trên thị trường lao động quốc tế.

Tuy nhiên, do thời gian ngắn, kinh phí đầu tư eo hẹp, việc chuyển biến về chất đối với các trường cần phải có thời gian. Ở đây, các trường phải được nâng cấp đồng bộ không chỉ là cơ sở vật chất thiết bị, giảng viên giáo viên, chương trình mà còn hệ thống quản lý, mối gắn kết với doanh nghiệp. Vì vậy, đòi hỏi các trường phải nỗ lực hơn nữa mới thực hiện được “sứ mạng” tiên phong của mình.

Phóng viên: Trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp gì để phát triển kỹ năng nghề của thanh niên? Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về chủ đề này?

Thứ trưởng Lê Quân: Để tăng cường kỹ năng nghề cho thanh niên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang thực hiện ba giải pháp đột phá là tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và tăng cường mối kết hợp với doanh nghiệp ở tất cả các cấp độ.

Mới gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0. Trong đó, chú trọng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, giảm thủ tục hành chính.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Nhân Dân điện tử

tin tức liên quan

HỘI THAO QUỐC PHÒNG AN NINH KHÓA 22: Thước phim của “thanh xuân rực rỡ” hòa cùng tình yêu đất...
Sinh viên Marketing HPC – Một ngày đi học, cả kho kỹ năng! Vừa qua, để chuẩn bị kết thúc...
HPC’ers đi thực tập tại LG Display Việt Nam Hải Phòng 3 tháng đã diễn ra thành công tốt đẹp...
Sinh viên HPC trong kỳ thi cuối kỳ I năm học 2024 – 2025 của Khóa 22 Khoa Ngôn ngữ...
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham quan và trao đổi về cơ hội hợp tác với Trường Cao đẳng...