– Chào cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh! Là một trong những người hoạt động năng động trong lĩnh vực Tiếng Hàn. Tình yêu ngôn ngữ Hàn trong cô bắt nguồn từ đâu?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Đam mê về ngôn ngữ đã hình thành từ rất lâu trong trái tim tôi. Từ những tiếp xúc với nhiều thứ tiếng như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp nhưng có thể nói tiếng Hàn mới là thứ ngôn ngữ tôi gắn bó lâu nhất, say mê nhất và cũng là thứ ngôn ngữ mang đến cho tôi nhiều cơ hội phát triển nhất.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất thời sinh viên của tôi chính là đợt xung phong đi phiên dịch tình nguyện cho một đoàn bác sĩ Hàn Quốc sang công tác ở khu vực Miền Trung. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ giúp tôi ngày càng tự tin, năng động mà còn bồi đắp thêm tình yêu ngôn ngữ Hàn.
Việc lựa chọn chuyên ngành học Ngữ văn tại trường Đại học số 1 của Hàn Quốc cũng là một dấu mốc khó phai trong cuộc đời tôi. Bởi trước đó, tôi tâm niệm sẽ học ngành sư phạm tiếng Hàn. Nhưng ở lần lựa chọn chuyên ngành cuối cùng để nhập học, tôi đã quyết định chuyển hướng sang khoa Ngữ Văn, một trong số ít chuyên ngành “khó nhằn” nhất của ĐHQG Seoul. Thậm chí bạn bè người Hàn Quốc còn thắc mắc: Tại sao một người nước ngoài lại chọn chuyên ngành khó, ngay cả đối với người Hàn như vậy? Nhưng tôi luôn tin đó là cái duyên may mắn khi được học ở một ngôi trường lớn, được làm học trò của các bậc thầy ngôn ngữ của Hàn Quốc và quen biết những người bạn tuyệt vời. Tôi đã học hỏi được rất nhiều và hiểu thêm về những yếu kém của bản thân để từ đó không ngừng nỗ lực vươn lên.
– Chắc hẳn cô có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên con đường chinh phục đam mê tiếng Hàn?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Tôi luôn trân quý tiếng Hàn vì nhờ nó tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có được. Đó là kỷ niệm về lần đầu làm MC ở những chương trình lớn, dịch cabin cho sự kiện về Làn sóng Hàn Quốc ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc; Đón đoàn Thủ tướng Hàn Quốc sang thăm Việt Nam; tham gia với vai trò phiên dịch trong buổi tiếp Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đảo CheJu của Hàn Quốc; Phiên dịch cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại nhà máy của tập đoàn Hanhwa; Phiên dịch cho phái đoàn cấp cao của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Lần đầu ngồi xe có đoàn cảnh sát hộ tống vào Phủ Chủ tịch hay vào Văn phòng Thủ tướng, vào Văn phòng Trung ương Đảng…
Hay những kỉ niệm sâu sắc vô cùng khi vinh hạnh trở thành phiên dịch cho những người đã tạo nên 1 huyền thoại trong phát triển kinh tế như Cố chủ tịch Kim Woo Choong, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo, hay người tạo nên những kì tích trong bóng đá Việt Nam như HLV Park Hang Seo. Rồi những lần được góp mặt trong những buổi họp vô cùng đặc biệt giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Hàn Quốc với sự hiện diện của Lãnh đạo cấp cao của hai nước.
– Được biết trước khi trở thành nhà giáo, cô đã gặt hái được nhiều thành công tại các vị trí khác nhau trong lĩnh vực tiếng Hàn? Do đâu mà cô quyết định theo đuổi công việc này?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Tôi luôn tin vào hai chữ nhân duyên. Tiếng Hàn đến với tôi như một dòng suối tưới mát tâm hồn, mang đến cho tôi nhiều cơ hội và cả thử thách để ngày càng phát triển. Trước khi trở thành giảng viên tôi đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như: làm việc tại Bộ phận Đào tạo của Công ty LG-Vina trong lĩnh vực Mỹ phẩm; công tác tại Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á – ĐHQG Hà Nội; hỗ trợ công tác phiên dịch cho các đoàn của Quỹ KFAS; phiên dịch cho Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA trong các dự án viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Chính phủ Việt Nam,… Những công việc này đã mang đến cho tôi môi trường làm việc đa dạng để phát huy năng lực bản thân, được tiếp xúc và trau dồi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm từ những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về tiếng Hàn. Đồng thời vun đắp cho tôi ước mơ được đứng trên bục giảng. Sau đó, tôi đã chính thức bắt đầu sự nghiệp đào tạo ngoại ngữ với vai trò là giảng viên Bộ môn tiếng Hàn (Hiện là Khoa NN&VH Hàn Quốc) của trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội.
– Vậy tại sao cô lại lựa chọn HPC là “bến đỗ” để tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Quyết định đến với HPC có lẽ là quyết định nhanh nhất và dứt khoát nhất, khi tôi được gặp gỡ lãnh đạo nhà trường. Hình ảnh một ngôi trường khang trang với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, những phòng học với sinh viên trong màu áo đồng phục đang chăm chỉ ngồi học, những thầy cô giáo đang hăng say và tâm huyết với bài giảng của mình… Đó là những dấu ấn không thể nào quên khi lần đầu tiên tôi đến thăm trường. Hình ảnh đó ấn tượng đến mức trên đường về tôi đã hình dung xem mình sẽ làm gì để đóng góp phần sức lực nhỏ bé vào sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường.
– Có thể nói tiếng Hàn là một trong những ngành học tiêu biểu thu hút đông đảo sinh viên học tập tại HPC. Theo cô, tại sao ngành học này lại có sức hút lớn đến vậy?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Với con số sinh viên ấn tượng hơn 1000 em cùng đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc – Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội có thể coi là một trong những khoa có quy mô lớn nhất tại các trường có đào tạo tiếng Hàn chính quy tại khu vực miền Bắc. Trải qua quá trình 6 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã từng bước khẳng định vị thể trong đào tạo tiếng Hàn. Đặc biệt, hiện nay nhà trường cũng đang tích cực phát triển, hoàn thiện thêm hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Tôi tin rằng, với sự đầu tư mạnh mẽ kết hợp với chất lượng đội ngũ giảng viên và sinh viên được nâng cao, đa dạng hóa các khoa- ngành sẽ là những nền tảng vững chắc để tiếp tục phát huy truyền thống, làm nên tên tuổi của HPC.
– Với vị trí là Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, cô có thể bật mí về kế hoạch phát triển khoa trong thời gian tới?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Trong thời gian qua, HPC nói chung cũng như Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc nói riêng đã đẩy mạnh phát triển quy mô và chất lượng để củng cố thêm vị thế của trường.
Tôi luôn tâm niệm rằng “Cho đi là hạnh phúc”, nhất là trong vai trò một người làm nghề dạy học, bởi kiến thức cho đi là kiến thức sẽ được nhân lên và còn mãi. Vì vậy, trong kế hoạch sắp tới, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng các hoạt động nghiên cứu, tham gia hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn… Đặc biệt chú trọng đến công tác giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên của Khoa có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức chuyên ngành, thi đấu cọ xát với sinh viên các trường bạn, tổ chức các câu lạc bộ học tập và ngoại khóa, tổ chức các buổi giao lưu với sinh viên Hàn Quốc….
– Cô có thể dành một số lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo học ngành tiếng Hàn?
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Tiếng Hàn được giảng dạy tại Việt Nam từ khoảng cuối thập niên 90, đặc biệt phát triển mạnh cùng với làn sóng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Cho đến nay tiếng Hàn đã trở thành một ngoại ngữ phổ biến, được dạy từ ở trường cấp 2, cấp 3 và Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ở Việt Nam. Do đó, sinh viên cần nhận thức rõ vấn đề cạnh tranh về năng lực để xác định con đường phấn đấu của mình.
Là sinh viên hệ cao đẳng, với 3 năm để hoàn thành toàn bộ nội dung học đã được xây dựng và định hướng theo tiêu chí thực hành nghề nghiệp. Các thầy cô trong Khoa sẽ nỗ lực để làm tốt vai trò dẫn dắt, chỉ lối, đồng hành với các em, nhưng sự nỗ lực từ chính bản thân mỗi em là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, các em sinh viên cần nỗ lực cao độ để tiếp thu, thực hành những kiến thức được học trên ghế nhà trường. Đồng thời nghiêm túc tự học để không ngừng mở rộng kiến thức và năng lực của bản thân trong thời đại 4.0
Trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi dịch Covid 19 bị đẩy lùi, chắc chắn quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được đẩy lên 1 tầm cao mới khi tất cả các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đều đã vào Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng đầu tư. Nhu cầu về nhân lực tiếng Hàn sẽ không ngừng tăng lên, các bạn sinh viên của HPC cần đón đầu xu thế đó để sớm tự rèn luyện bồi dưỡng năng lực chuyên môn của mình bắt đầu từ các kĩ năng được dạy trong nhà trường về Từ vựng, Ngữ pháp, Nghe, Nói, Đọc, Viết, Dịch… từ cơ bản đến nâng cao. Vì vậy, hãy sống có mục tiêu, biết lập kế hoạch, đề ra phương pháp thực hiện để hoàn thành mục tiêu.
Cảm ơn Cô về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc cô luôn là người truyền lửa cho các thế hệ sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc học tập tốt ngành học mà các em đã đam mê, lựa chọn.