Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội

HomeTin tứcChọn nghề, hãy lắng nghe con tim mình

Chọn nghề, hãy lắng nghe con tim mình

Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ở Việt Nam hiện nay, xu thế người học vào giáo dục đại học vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn.

Cơ cấu đào tạo bất hợp lý dẫn đến tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao của những người tốt nghiệp đại học trở lên. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng bất hợp lý này đó là tâm lý chuộng ĐH cũng như việc vào ĐH quá dễ dàng hiện nay.

Vào ĐH bằng mọi giá?

Trong bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hàng quý, tỷ lệ thất nghiệp rơi vào nhóm tốt nghiệp đại học trở lên luôn chiếm tỷ lệ cao.

Cụ thể, quý I/2014 có 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp. Quý I/2015 có 177.000, quý I/2016 là 190.000 và quý I/2017 là gần 139.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp.

Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Năm 2012, cứ 1 người học đại học chỉ có 0,46 người trình độ trung cấp và 0,58 người lao động kỹ thuật. Năm 2016, cứ 1 người học đại học trở lên chỉ có 0,35 người trình độ cao đẳng và 0,56 người trình độ trung cấp và 0,39 người trình độ sơ cấp.

Ông Trương Anh Dũng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng: mong muốn được học đại học là tâm lý chung của nhiều thanh niên, điều này không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều quốc gia đang phát triển. Đặc biệt ở Việt Nam, “tâm lý ưa chuộng bằng cấp” vẫn còn nặng nề.

Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, TS Đinh Phương Duy – chủ tịch Hội khoa Tâm lý – giáo dục TP.HCM, cho rằng hiện nay có khá nhiều người có trình độ thạc sĩ, cử nhân vẫn còn đang thất nghiệp hoặc làm những việc không đúng với chuyên môn đã được đào tạo.

Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng này, trong đó có lí do là các bạn dù tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc bạn đã tốt nghiệp một ngành chưa có nhiều cơ hội việc làm hoặc số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành đó quá đông dẫn đến thừa, ứ…

Nhiều bạn “hạ quyết tâm” phải vào đại học bằng được, thi lần thứ nhất không đạt thì tiếp tục thi nhiều lần sau nhưng cũng có khá nhiều bạn lại quyết tâm cách khác: học đại học nào cũng được, ngành nào cũng chấp nhận miễn là có một nơi để trở thành sinh viên đại học để “bằng bạn bằng bè”.

Nhiều em trở thành sinh viên đại học bằng cách đó đến hết năm thứ nhất đã cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn có tính chất “chọn đại” của mình. Nhưng cũng có bạn đến năm thứ ba mới “ngộ” được mình sai lối nhưng đã không còn kịp để sửa sai vì tiếc nuối ba năm miệt mài với những nội dung không hề phù hợp với sở thích, nguyện vọng hay điều kiện cụ thể của mình…

Ai cũng có thế mạnh của riêng mình

Phạm Đình Song (giữa) bên các học viên tại trung tâm dạy pha chế của mình. Song chọn học nghề và đã có nhiều thành công với nghề đã chọn – Ảnh: M.G

Phạm Đình Song thích ca hát nhưng gia đình không đồng ý, muốn Song theo ngành công an. Những bất đồng ấy cứ kéo dài nên dù thi đậu kiến trúc, Song cũng không theo học. Song chọn học nghề quản trị nhà hàng khách sạn, trong đó đặc biệt đam mê với nghề pha chế.

Để chuyên sâu về nghề này, Song phải đi làm thêm ở các quán cafe để học thêm về kỹ năng cũng như phong cách làm việc. Những điều này giúp Song trúng tuyển làm pha chế ở khách sạn Caravelle sau nhiều vòng thi khắc nghiệt.

Hai năm làm việc ở đây, Song học được rất nhiều thứ từ nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng thích nghi, xử lý tình huống. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Song dự thi các giải pha chế trong nước và quốc tế.

Vài lần đầu, trắng tay. Những lần sau đó Song liên tiếp thành công ở giải vô địch Việt Nam, giải nhì châu Á, vô địch châu Á…

Từ những thành tích đó, Song được nhiều trường nghề mời về giảng dạy. Và để có được chất lượng đào tạo đúng như ý mình, Song đã tự mở trung tâm dạy pha chế cho riêng mình.

Dù đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, làm giám khảo và huấn luyện viên ở nhiều cuộc thi pha chế ở Thái Lan, Hàn Quốc, cũng có trung tâm của riêng mình, điều làm Song đắn đo là tới tận bây giờ, trong mắt ba mẹ Song vẫn làm một nghề gì đó “không chính thống”.

Theo ông Dũng, tâm lý bằng cấp đã dần thay đổi theo xu thế nghề nghiệp cũng như nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

“Khi có khoảng 200.000 cử nhân đại học không tìm được việc làm thì xã hội đã có sự chuyển biến về nhận thức, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đủ điểm vào học đại học nhưng đã không vào học đại học mà lựa chọn học nghề (cao đẳng, trung cấp) để tiết kiệm thời gian, chi phí và sớm có việc làm ổn định.

Hiện nay rất nhiều nghề xã hội có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Thống kê cho thấy, trên 70% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề đã tìm được việc làm theo đúng nghề đã học trong 6 tháng sau tốt nghiệp, có những ngành tỉ lệ này đạt hơn 90%.

Người học chọn giáo dục nghề nghiệp cần xem xét các yếu tố sau: sự phù hợp với năng lực bản thân; thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp hơn học đại học; dễ có việc làm, thu nhập ổn định và có cơ hội học liên thông lên đại học”, ông Dũng nói.

Ở khía cạnh lựa chọn nghề nghiệp, TS Đinh Phương Duy cho rằng khi chọn ngành nghề cần lưu ý logic: chọn nghề, chọn ngành rồi chọn trường… Bạn phải hiểu bản thân mình, biết mình có thể làm nghề gì, bạn thích làm gì, bạn muốn trở  thành một người như thế  nào.

Việc chọn nghề có thể cân nhắc một số yếu tố: điều kiện thuận lợi của mình, dự báo phát triển của nghề, khả năng tìm được việc làm, sở thích và ưu thế của bản thân có phù hợp với nghề hay không. Việc chọn ngành cũng cần tham khảo các thông tin về khả năng phát triển của ngành, cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường và các đặc điểm chủ quan của bản thân.

Ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ có người học ĐH Bách khoa ngành hóa hiện nay làm giám đốc nhân sự bốn công ty; một người học ngành xây dựng trung cấp nay kinh doanh vật liệu xây dựng; một người cũng học xây dựng sau học thêm thiết kế giờ làm công việc thiết kế.

Trong ba người này, người “thành công” nhất là người từng học trung cấp. Có nhiều người làm trái ngành trái nghề nhưng phát huy được đúng khả năng mình trong công việc. Chỉ có con người giỏi nghề là thành đạt. Người có bằng cấp mà thiếu kỹ năng khó thành đạt.

Hãy làm điều mình giỏi nhất

Nói về lựa chọn nghề nghiệp, Phạm Đình Song chia sẻ: người Việt Nam quá nặng nề bằng cấp, phải là ĐH, là bác sĩ, kỹ sư, xem thường người làm nghề, trong đó có pha chế trong khi nghề này nhu cầu hiện nay rất lớn, thu nhập tốt.

“Không ai giỏi hay dở hoàn toàn. Mỗi người đều có một thế mạnh nào đó. Quan trọng là mình có nhận ra hay ai đó giúp mình sớm nhận ra điều này để có thể theo đuổi và phát huy hay không. Tôi đọc sách và được biết người Nhật họ không dạy con cái họ phải trở thành bác sĩ, kỹ sư. Họ khuyến khích con em làm cái mà mình giỏi nhất, tập trung hết tâm huyết và cố gắng”, Song nói.

Theo tuoitre.vn

tin tức liên quan

HỘI THAO QUỐC PHÒNG AN NINH KHÓA 22: Thước phim của “thanh xuân rực rỡ” hòa cùng tình yêu đất...
Sinh viên Marketing HPC – Một ngày đi học, cả kho kỹ năng! Vừa qua, để chuẩn bị kết thúc...
HPC’ers đi thực tập tại LG Display Việt Nam Hải Phòng 3 tháng đã diễn ra thành công tốt đẹp...
Sinh viên HPC trong kỳ thi cuối kỳ I năm học 2024 – 2025 của Khóa 22 Khoa Ngôn ngữ...
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham quan và trao đổi về cơ hội hợp tác với Trường Cao đẳng...