Vị khách du lịch đã đi đến rất nhiều địa điểm khác nhau, đến đâu, ông cũng đều được người dân đón tiếp chân thành và nồng hậu. Những ngày đầu, điều ông thích nhất ở đất nước đầy nghị lực, kiên cường này chính là họ có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, những lễ hội đông vui và náo nhiệt, bầu không khí trong lành, đường xá rộng rãi, sạch sẽ, và đặc biệt là người dân ở đây ai cũng tốt bụng và hiếu khách.
Ông đã từng nghe rất nhiều lời khen ngợi từ người dân trên khắp thế giới dành cho người Nhật Bản, và chuyến du lịch này đã giúp ông xác nhận điều đó.
Một ngày nọ, khi quyết định sẽ tự tiếp đãi bản thân bằng một bữa cơm tự nấu, vị khách du lịch chọn một siêu thị khá lớn nằm ngay trung tâm thành phố để mua thịt, tôm, cá. Đến quầy rau củ, ông lần lượt mãi nhưng không tìm được món rau mà mình yêu thích. Ngay lúc đó nhân viên siêu thị đi ngang qua và dừng lại ngay chỗ ông.
“Liệu tôi có thể giúp gì được cho ngài?”
“Tôi muốn tìm súp lơ xanh nhưng không thấy ở đâu cả”, vị khách du lịch trả lời.
“Thật tiếc, hôm nay siêu thị chúng tôi gặp trục trặc trong khâu vận chuyển nên món đồ ông cần hiện không có. Nhưng cách siêu thị tầm nửa cây số hướng về phía tây có một quầy hàng chuyên bán rau củ. Ông có thể tham khảo”. Vị khách du lịch vội cảm ơn người nhân viên trực quầy rồi rời khỏi siêu thị.
Ông đi theo hướng dẫn ban nãy và nhanh chóng nhìn thấy một quầy rau củ cuối phố. Đây là một quầy hàng có đầy đủ các mặt hàng, mọi thứ đều mới và tươi sạch vô cùng. Vị khách du lịch bước vào trong quầy và lựa cho mình một bó bông cải xanh ngon lành. Nhưng khi ông cầm món hàng ra ngoài thanh toán thì chẳng thấy người bán hàng đâu cả. Ông dáo dác tìm kiếm và gọi khắp nơi nhưng chỉ thấy một rổ tiền nằm ngay ngắn tại dưới đất. Điều này khiến ông vô cùng thắc mắc và tự đặt ra một câu hỏi: “Người bán hàng không sợ rổ tiền sẽ bị ai đó lấy cắp hay sao?“.
Ngay lúc ấy, có một người phụ nữ đến đây mua rau, vị khách du lịch đứng yên chờ đợi xem bà ấy sẽ giải quyết như thế nào khi cũng không tìm ra người bán hàng.
Người phụ nữ cầm trên tay một bó rau cải, lấy tiền đặt vào rổ tiền dưới đất rồi nhanh chóng rời đi. Vị khách du lịch vô cùng ngạc nhiên và đã kéo người phụ nữ đó lại:
“Sao bà không đợi người bán hàng quay trở lại rồi trả tiền?“.
Người phụ nữ cũng ngạc nhiên trả lời: “Ở đây làm gì có người bán hàng?”.
Nhìn thấy vẻ lúng túng của vị khách du lịch, bà liền đoán ra được vấn đề và đứng lại giải thích:
“Ông là khách du lịch phải không? Chắc là ông không biết rồi, ở đất nước của chúng tôi vốn có những cửa hàng, quầy hàng tiện ích không người bán. Chủ cửa hàng chỉ việc viết sẵn giá lên những món hàng và đặt một rổ tiền dưới đất. Khách hàng sẽ tự chọn đồ và để lại số tiền thích hợp. Nếu không đủ tiền lẻ, hoặc không có tiền chỉ cần ghi lại mọi thông tin cần thiết vào một mảnh giấy rồi để lại, ngày hôm sau hay bất kỳ ngày nào đó họ đều có thể đến và trả tiền cho món đồ mình đã mua chịu hôm trước”.
Vị khách du lịch vô cùng ngạc nhiên vì đây là kiểu mua bán kỳ lạ mà lần đầu tiên trong đời ông được chứng kiến. Đối với xã hội hiện nay, vấn nạn trộm cắp đang là tình trạng đáng báo động. Nhất là sự ăn cắp vặt trong các siêu thị từ lớn đến cả những cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ, ở đâu cũng dán những nhãn cảnh báo người dân không được ăn trộm vặt.
Vị khách du lịch chợt nhận ra kể từ khi ông đến Nhật Bản du lịch, ông chưa từng nhìn thấy bảng cảnh báo nào được dán ở bất cứ nơi nào ông đi qua.
Người phụ nữ nói thêm:
“Cuối ngày, người chủ sẽ quay trở lại cửa hàng để kiểm kho và lấy tiền bán được trong ngày hôm đó. Từ trước đến nay, số tiền trong rổ chưa từng bị thiếu hụt đi so với những món đồ bán được. Hệ thống cửa hàng không người bán hoạt động dựa trên ý thức và sự tin tưởng mà con người dành cho nhau. Nó giúp tất cả mọi người có thêm khoảng thời gian rảnh để làm một công chuyện khác và tiết kiệm thời gian cho nhau”.
Ý thức của người dân Nhật Bản rất cao và điều này thậm chí đã được chứng minh qua rất nhiều câu chuyện. Hệ thống cửa hàng không người bán này một lần nữa khiến vị khách du lịch thêm nể phục và kính trọng về phẩm chất trung thực của người dân Nhật Bản. Họ không chỉ trung thực với chính lương tâm, bản thân mình mà còn trao nhau niềm tin đối với sự trung thực của những người xung quanh. Không chỉ thế, người dân Nhật Bản còn nghĩ ra những phương án để có thể đem lại lợi ích cho cả bản thân và người khác. Họ không sống ích kỷ, cá nhân mà luôn suy nghĩ về lợi ích cộng đồng.
Hệ thống những cửa hàng không người bán này đã đúc kết được một bài học sâu sắc đối với vị khách du lịch. Đất nước Nhật Bản vốn phải đối diện với sức tàn phá kinh hoàng của thiên tai từ xưa đến nay nhưng nhờ vào ý chí, phẩm chất và nghị lực đáng quý của người dân mà đất nước này có thể khôi phục kinh tế, phát triển xã hội một cách nhanh chóng và đáng ngưỡng mộ.
Sau chuyến du lịch, vị khách nọ đã viết rất nhiều bài blog kể về chuyến đi thú vị này của mình. Trong đó ông không quên nhắc đến hệ thống những cửa hàng không người bán và bài viết về nó đã được chia sẻ và lan rộng khắp nhiều nơi trên thế giới.
Những cửa hàng này không chỉ dạy cho chúng ta bài học về lương tâm con người, ý thức, thái độ sống, sự tin tưởng mà người này dành cho người kia. Bên cạnh đó, cách thức tiết kiệm thời gian của người Nhật cũng là điều đáng học hỏi. Trong câu chuyện trên, người chủ không phải tốn công canh chừng cửa hàng của mình mà họ có thể dùng công lao động được dư đó để làm chuyện khác. Nhiều người dư công lao động và dùng nó để làm những việc khác thì sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, sự phát triển của đất nước. Từ nguồn gốc là ý thức và tầm nhìn của người dân, đây cũng chính là lý do nước Nhật luôn đủ khả năng phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ sau những lần đối mặt với thiên tai khắc nghiệt.