Bước vào văn phòng giảng viên Khoa Hàn Quốc HPC, tôi nhìn thấy một chiếc hộp kỳ lạ. Chiếc hộp giấy to được bọc rất chỉn chu, lại thêm hình trái tim đỏ rực, đặt ngay ngắn trên kệ sách sát tường của các giảng viên. Tôi tò mò không biết bên trong là gì?
Thấy tôi quan tâm đến chiếc hộp, các giảng viên Khoa Hàn đều muốn giới thiệu với tôi. Một nữ giảng viên nhanh chân đến gần kệ sách, cẩn thận dùng 2 tay lấy xuống nhẹ nhàng, như thể sợ nó tan ra. Cô phủi bụi trên mặt chiếc hộp, dù trông nó vẫn rất sạch sẽ. Hình như đó là một thói quen vô thức khi chúng ta quá trân trọng món đồ gì quý giá.
Xem thêm chuyện giảng viên Khoa Hàn Quốc HPC tại “Chuyện của HPC”.
Chiếc hộp bọc giấy in chữ “Love”, dán hình trái tim đỏ rực, khiến tôi ngỡ đó là món quà do “người thương” tặng nữ giảng viên này. Hơn nữa, thấy cô ngắm nghía nó như vật báu thì tôi cũng không khỏi “sinh nghi”. Hỏi mãi, cô mới tiết lộ: “Đó là hòm thư chậm của sinh viên!”.
Cô Huỳnh Nguyễn Vi Oanh, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc, là người nắm giữ “chìa khóa” mở chiếc hộp này. Cô Oanh kể, ý tưởng làm hòm thư chậm là của các thầy cô khoa Hàn.
Năm ngoái, Khoa Hàn tổ chức buổi định hướng (Orientation) cho sinh viên mới nhập học. Trong buổi định hướng đó, ngoài giới thiệu chương trình học của Khoa, giới thiệu văn hóa Hàn Quốc, còn có các hoạt động trải nghiệm náo nhiệt như: thử Hanbok, ca múa nhạc, viết thư,… Trong đó, hoạt động viết thư được các bạn sinh viên ấn tượng nhất, vì người nhận thư là chính các bạn của một năm sau. Các thầy cô trong khoa thống nhất gọi đó là “hòm thư chậm”.
Ngồi trầm ngâm nhớ lại ngày hôm đó, sinh viên cặm cụi viết thư ra sao, các nữ giảng viên Khoa Hàn bất giác mỉm cười, những nụ cười duyên dáng. Các cô phỏng đoán trong mỗi bức thư có thể là những ước mơ, hoài bão, những kỳ vọng của chính các bạn dành cho bản thân hoặc có thể là kỳ vọng dành cho thầy cô, nhà trường.
Cuối buổi định hướng hôm đó, các thầy cô bê về văn phòng khoa một thùng to ngập những lá thư chậm. Các thầy cô đặt ngay ngắn trên kệ sách, nơi dễ thấy nhất, để mỗi ngày đều được nhìn thấy như một lời tự nhắc nhở: “Mình phải làm tốt hơn mỗi ngày, để xứng đáng với kỳ vọng của sinh viên”.
Tìm hiểu thêm về Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc. Bấm vào đây!
Hiện tại, sau gần một năm giữ “hòm thư chậm” như báu vật, các thầy cô Khoa Hàn chuẩn bị gửi lại những lá thư đó cho các bạn sinh viên. Tôi thấy các thầy cô còn háo hức mong đợi đến ngày được bóc thư hơn ai hết, bởi vì họ muốn “lắng nghe” sinh viên của mình.
Các thầy cô Khoa Hàn muốn cùng sinh viên bóc từng lá thư để biết được các bạn thấy bản thân mình thay đổi thế nào, có thực hiện được ước mơ, hy vọng năm trước hay không. Các giảng viên đều tò mò muốn biết liệu mình đã đáp ứng được kỳ vọng của sinh viên hay chưa.
Tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy giảng viên Khoa Hàn có nhiều trăn trở và muốn lắng nghe sinh viên đến vậy. Bởi vì lắng nghe là chìa khóa giúp giảng viên và sinh viên hiểu và gắn kết với nhau hơn. Các thầy cô Khoa Hàn hiểu rõ điều này và đang khao khát được “lắng nghe” các bạn.
Tôi tranh thủ giờ nghỉ giảo lao để hỏi chuyện về hòm thư chậm, đến khi cốc nước chuyển từ ấm sang lạnh mà các thầy cô vẫn chưa nguôi cảm hứng kể về những kỷ niệm từng có với sinh viên.
Không chỉ vậy, thầy cô khoa Hàn còn lên ý tưởng mở một “Hòm thư giấu tên” ở Khoa, để có thể biết được nguyện vọng khó nói của các bạn trẻ. Chỉ khi sinh viên thấy hài lòng, thấy được “lắng nghe” thì giảng viên Khoa Hàn mới tìm thấy niềm vui trọn vẹn.
Chắc chắn “Hòm thư chậm” chính là khởi đầu của niềm vui đó!
Tác giả: Cô Phương Anh – Cán bộ Phòng Truyền thông
(“Khoa Hàn” hay “Khoa Hàn Quốc HPC” là cách gọi quen miệng của mọi người khi nói về “Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC)”)