Thư pháp xuất hiện và phát triển ở nhiều quốc gia và những ai yêu mến nét nghệ thuật này đều biết rằng, Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền thư pháp.
Thư pháp là một nghệ thuật cổ xưa nhất tại Trung Quốc, được chính thức “mệnh danh” vào khoảng thế kỷ thứ II – IV. Từ đó, nó trở thành một môn nghệ thuật tao nhã của các tao nhân và người có học.
Thư pháp là việc viết chữ bằng mực tàu trên giấy hoặc lụa. Chữ được viết thường là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Một tác phẩm thư pháp là thể hiện giữa thư thể và thư gia. Nội dung và hình thức của thư pháp phải hòa hợp để xác định bố cục và thư thể trong tác phẩm. Người viết thư pháp phải trải qua thời gian tìm hiểu và khổ luyện lâu dài mới có thể vẽ nên những nét tựa “rồng bay phượng múa”. Những đại thư gia nổi bật trong lịch sử Trung Quốc có thể kể đến Nhan Chân Khanh và Âu Dương Tuân.
Khi thưởng thức một tác phẩm thư pháp, người ta thường đánh giá nó qua bút pháp và sự sáng tạo của tác giả, thể hiện qua từng nét bút nhanh – chậm, độ đậm – nhạt của mực hay sự tương phản giữa giấy và mực.
Các phong cách viết thư pháp Trung Hoa
Thư pháp Trung Quốc không đơn thuần là chữ viết, nó còn được người ta sử dụng như một vật trang trí nhà cửa vào những dịp đặc biệt như lễ, tết. Có 5 phong cách viết thư pháp phổ biến. Mỗi phong cách lại có những cách thể hiện riêng.
+ Khải thư: Đây là kiểu chữ được sử dụng phổ biến và thông dụng nhất ngày nay. Nó được dùng trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn. Đặc biệt là loại chữ dành cho những người mới bắt đầu học chữ Hán. Khải thư có bố cục ngay ngắn theo dạng hình vuông, được viết chậm rãi và cẩn thận. Khác với các loại chữ khác, khi viết thì ngòi bút được nhấc lên khỏi mặt giấy.
+ Triện Thư: Là loại chữ thư pháp có lịch sử lâu đời và được lưu hành rộng rãi. Triện thư gồm 2 kiểu chữ là Đại Triện và Tiểu Triện. Đây là loại chữ thư pháp kiểu cổ, các nét thanh, bố cục đơn giản.
+ Lệ thư: Là bước phát triển cao hơn của Triện thư. Hầu hết nét bút của Lệ thư là những nét vuông thể hiện sự mạnh mẽ, đơn giản về đường nét.
+ Hành thư: Đây là loại chữ thư pháp gần giống với chữ viết tay thông thường. Khác với các kiểu chữ khác, chữ Hành thư khi viết thì ngòi bút ít nhấc lên khỏi mặt giấy. Chính vì thế các nét chữ trong cùng một chữ được viết nối liên tục nhau. Hành thư có đường nét phóng khoáng, dễ đọc, bố cục chữ tròn trịa, ít góc cạnh.
+ Thảo thư: Đây là kiểu chữ mang tính nghệ thuật cao, thiên về cảm hứng của người viết. Các nét chữ được biến tấu đầy thi vị, thanh thoát, tốc độ viết nhanh chóng. Các nét chữ thể hiện sự liên kết, uyển chuyển tạo nên sự liên hoàn cho các bộ chữ. Khi viết, ngòi bút được hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy. Thảo thư được viết để thể hiện đại ý của văn tự, chính vì thế mà không phải ai cũng có thể thưởng thức được loại thư pháp này.