Salesman là gì? Công việc của Salesman?
Để làm tốt bất kỳ công việc gì đầu tiên bạn cần nắm rõ các tính chất, đặc trưng của công việc đó. Salesman là những người trực tiếp/gián tiếp tiếp xúc với khách hàng để tìm hiểu nhu cầu, giải đáp thắc mắc, tư vấn, thuyết phục khách hàng để họ quyết định mua sản phẩm của công ty. Salesman được xem như những người đại diện cho thương hiệu của doanh nghiệp đồng thời là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp.
Những công việc mà Salesman cần làm:
Công việc của Salesman phụ thuộc vào tính chất sản phẩm và quy mô của công việc. Những liệt kê dưới đây chỉ những hoạt động phổ biến trong nghề Sales, dựa trên khảo sát đặc trưng của ngành nghề này:
– Nghiên cứu thị trường để tìm kiếm nguồn khách hàng, góp phần xây dựng chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp.
– Lên danh sách, phân loại khách hàng, ví dụ: nhóm khách hàng tiềm năng, nhóm khách hàng thường xuyên, nhóm khách hàng cao cấp.
– Nắm vững các thông tin về sản phẩm, dịch vụ của công ty (mẫu mã, màu sắc, chất lượng, xuất xứ, cách sử dụng, bảo quản,…)
– Tiếp đón, lắng nghe ý kiến của khách hàng; giới thiệu, tư vấn những sản phẩm phù hợp với khách hàng; thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm.
– Tham gia vào quá trình chăm sóc khách hàng trước – trong – sau khi bán sản phẩm.
– Kiểm soát hàng hóa, báo cáo hoạt động bán hàng, đóng góp ý kiến để phát triển các mặt hàng có nhu cầu cao.
Những yếu tố mà một Salesman cần rèn luyện để trở nên chuyên nghiệp:
- Kỹ năng giao tiếp: Nhiệm vụ xuyên suốt quá trình bán hàng của Salesman là giao tiếp với khách hàng. Do đó, bạn cần ăn nói lưu loát, rành mạch, khả năng ứng biến linh hoạt để giải đáp các thắc mắc về sản phẩm và tư vấn cho khách hàng một cách tốt nhất.
- Khả năng đàm phán, thuyết phục: Điểm khác biệt lớn nhất giữa một Salesman chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp chính là khả năng đàm phán, thuyết phục khách hàng. Tùy từng đối tượng, tính cách, nhu cầu mà người bán hàng đưa ra các lý lẽ, dẫn chứng khác nhau để có thể làm hài lòng khách hàng và thúc đẩy họ đi đến quyết định sử dụng sản phẩm.
- Luôn giữ thái độ, tác phong chuyên nghiệp: Nếu bạn là người nóng nảy, hay đề cao cái tôi chắc chắn công việc bán hàng không phù hợp với bạn. Bởi chúng ta vẫn thường nghe câu “khách hàng là thượng đế” với ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của khách hàng. Cho nên mọi hành vi, thái độ của Salesman cần hướng tới mục đích cuối cùng là đáp ứng được khách hàng, bán được sản phẩm.
- Kiên trì, ham học hỏi: Hằng ngày, bạn có thể tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm khách hàng và tất nhiên không phải ai cũng mua sản phẩm của công ty bạn. Bên cạnh nó, nếu nóng lòng tư vấn về sản phẩm mà không lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của khách hàng thì rất khó để họ đưa ra quyết định mua hàng. Kiên trì là đức tính rất quan trọng trong nghề bán hàng. Vì thế đừng bao giờ tiếc thời gian để lắng nghe và quan sát. Chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để trở thành Salesman giỏi.