Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội

HomeTin tứcSINH VIÊN HPC – VỮNG NIỀM TIN, QUYẾT TÂM PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19

SINH VIÊN HPC – VỮNG NIỀM TIN, QUYẾT TÂM PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19

BÀI DỰ THI VIẾT

CHỦ ĐỀ: SINH VIÊN HPC – VỮNG NIỀM TIN, QUYẾT TÂM PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19

HỌ VÀ TÊN: Vũ Xuân Ngọc

Lớp K19 – CH 08 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc

TRƯỜNG: CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ BÁCH KHOA HÀ NỘI

NHẬT KÝ NGÀY ĐẠI DỊCH

“Con chắc chưa về được mẹ a.’’

Đó là tin nhắn đầu tiên vào buổi sáng ngày mùng 7 tháng 3 năm 2020. Tôi vẫn nhớ rõ buổi sáng ngày hôm ấy, khi thức dậy, Hà Nội bỗng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết, nhà nhà cùng nói tới nCov.

Cũng buổi sáng hôm đó, tôi thấy anh bạn cùng phòng của mình khệ nệ khuôn một túi to đồ ăn, mì tôm và giấy vệ sinh. Không kịp để tôi hỏi, anh ta kể tới tấp. Hắn nói “Mày chẳng ra mà xem, người ta đi chợ đông lắm, tao mà không nhanh, đến 3 chục gói mỳ tôm này cũng chẳng còn. Mấy hôm nữa, rồi có mà chết đói.” Tôi phì cười, cái thằng chết nhát!

Tôi mặc kệ nó sắp xếp đồ ăn lại một góc, rồi lên mạng lướt một vòng, trên bảng tin tràn ngập tin tức, người thì hoang mang, người thì chửi mắng, người lại khoe chiến tích mua được cả tá đồ, có trang lại đăng tin siêu thị bị khoắng sạch.

Tôi chợt nhận ra, chỉ sau một đêm, Hà Nội đã nóng hơn bao giờ hết. Người Hà Nội lúc bấy giờ đang lo lắng. Chẳng lo lắng mới là chuyện lạ, bệnh nhân 17 trở về đem “Chị” Covid-19 quay trở lại Hà Nội, trở lại Việt Nam. Đáng lo hơn là chị ấy giấu bệnh, trốn cách ly. Người ta hoang mang, chẳng biết chị ấy đã đi những đâu, lây bệnh cho những ai rồi. Rồi cực chẳng đã, chị ấy trở thành tâm điểm của sự chỉ trích.

Vậy là “Toang!” ,từ ngày “Chị” Covid-19 quay trở lại Việt Nam cùng với bệnh nhân 17, ngày càng nhiều người từ nước ngoài trở về. Sau sự việc của BN17 chẳng còn thấy mấy ai trốn cách ly nữa. Không biết họ sợ bệnh, hay sợ trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, hay thực sự là do họ không muốn lây lan ra cộng đồng. Mà thế nào cũng được, đối với tôi thì chỉ cần cộng đồng an toàn là đủ.

Từ hôm Covid trở lại, chấm dứt chuỗi 22 ngày Việt Nam không có sự xuất hiện của “Chị” ấy, tôi ngày nào cũng đếm, đếm số người đi cách ly, rồi số người dương tính với virus. Số ca chỉ thấy tăng lên ngày một nhiều, có đêm tôi còn mơ thấy “ác mộng”, tôi thấy Việt Nam phải lên cả ngàn ca nhiễm. chính phủ không thể bảo vệ người dân được, xác người nằm vạ vật khắp đường phố, tôi thật kinh hoàng với giấc mộng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi quyết định không đếm ca dương tính với virus nữa. Tôi nghĩ, sợ thì có sợ, nhưng chiến đấu chứ, ngại gì.

Rồi từng ngày ca nhiễm lên đến cả trăm. Tôi xấu tính mà nghĩ, chẳng hiểu sao chính phủ lại mở cửa đón người nước ngoài về nước, bao nhiêu là mầm bệnh. Mà vài hôm lại có người trốn cách ly, vài hôm lại có người đòi hỏi chỗ ăn chỗ ngủ phải đẹp như khu nghỉ dưỡng. Rồi họ chửi bới, đòi tự cách ly. Tôi biết mình xấu tính, ích kỉ, nhưng lúc ấy tôi mặc kệ.  Rồi vô tình, tôi đọc được một bài viết trên facebook của một người bạn của tôi. Cô ấy kể, cô ấy đi thực tập ở Indonesia, cô ấy kể bị kẹt ở sân bay 3 ngày vì chuyến bay bị hủy liên tục do dịch bùng phát. Cô ấy kể cả ngày chỉ ăn có một bữa. Cô ấy lại kể, cô ấy phải ngủ trên sàn nhà và tắm bằng vòi xịt trong nhà vệ sinh.  Rồi cuối cùng, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì cô ấy cũng kể, cô ấy về được rồi, mọi người đừng lo lắng vì cô ấy đang thực hiện cách ly rất vui vẻ. Lúc ấy tôi mới nhận ra, hóa ra là người thân quen của mình thì việc họ về được “nhà mình” là điều là tôi cực kì mong muốn. Có bệnh thì về chữa, vẫn còn hơn là cực khổ nơi đất người. Hóa ra đúng là như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói “Đấy là nghĩa Đồng bào”.

Đại dịch trở lại, cuộc sống của tôi cũng bị đảo lộn nhiều lắm. Nhà hàng nơi tôi làm thêm khách đã vãng rất nhiều. Tôi đi làm phải trang bị rất nhiều thứ, và phải đeo khẩu trang cả ngày nữa. Nhân sự bị cắt giảm trong ngày dịch cũng chẳng khiến tôi vui vẻ hơn. Chương trình học thì có thể bị đẩy lùi lại. Một vài dự định của tôi cũng bị trì hoãn lại vì dịch. Những lúc như thế tôi lại thở dài, thẩn thơ chẳng biết khi nào mới hết dịch. Rồi tưởng tượng viễn cảnh cuộc sống quay trở lại bình thường.

Ngày đại dịch Sars xảy ra, tôi còn bé xíu, chẳng thể hình dung lại mọi thứ đã diễn ra như thế nào. Tôi chỉ biết, bây giờ Covid-19 đang rất nguy hiểm. Chẳng còn được trà chanh chém gió với mấy thằng bạn, tôi lại ở nhà lướt tin tức. Đọc được rất nhiều tin xấu, nhưng cũng rất nhiều tin tốt. Tôi ngưỡng mộ các bạn xung phong đi chống dịch. Ngưỡng mộ các bác sĩ, với trang phục bảo hộ kín mít, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, rồi nghiên cứu phương pháp điều trị. Tôi cũng ngưỡng mộ các anh bộ đội nhường chỗ cho đồng bào của mình để dựng lều dựng lán mà ngủ. Trên hết là tôi cảm thấy phục họ, những con người đã hi sinh rất nhiều vì đồng bảo của mình. Rồi tôi cũng đọc được những tin tức từ thiện từ các nghệ sĩ doanh nhân, hàng triệu đồng, hàng trăm triệu đồng rồi đến hàng tỉ đồng.

Nghĩ lại, thấy mình nhỏ bé ghê. Tôi chẳng làm được gì, tôi không có hàng triệu đồng, cũng chẳng thể xung phong ra trận chống dịch như chống giặc. Thôi thì đành vậy, chẳng làm được gì thì tôi chẳng làm gì nữa, tôi ngồi yên vậy. Đất nước cần tôi ngồi yên tôi sẽ ngồi yên, chẳng tụ tập la cà, chẳng cà phê cà pháo nữa. Tôi phòng cho mình và cho người thân của mình trước. Sức nhỏ thì tôi làm việc nhỏ vậy.

Thật ra, Việt Nam mình chỉ là nước nhỏ. Nhưng qua lần đại dịch này tôi càng tự hào hơn. Tôi chẳng so sánh đâu, vì chính phủ mình, đồng bào mình đang làm rất tốt rồi. Nhìn này, các ca lây nhiễm chéo gần như rất ít. Đa phần là từ nước ngoài về, hoặc là người nước ngoài đến Việt Nam đã có sẵn bệnh. Rồi chính phủ mình cũng đưa đi cách ly và chữa trị miễn phí tuốt. Không như những nước khác, người dân muốn chữa trị chi phí không nhỏ, lên đâu tới sấp xỉ 3500usd. Dân mình còn nghèo, nên chính phủ chẳng đòi hóa đơn dài cả trang đâu. À không chỉ chính phủ đâu, đồng bào mình cũng thương nhau lắm. Có những người còn tài trợ cả tòa nhà và khách sạn để giúp chuẩn bị phòng cách ly cho các bạn từ nước ngoài về.

Tôi thật sự thấy xót xa, xót những con người luôn hi sinh thầm lặng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ “máu thịt” của mình, đó là những y bác sĩ, dược sĩ, các anh chiến sĩ. Ai cũng muốn được sống, được sướng, không ai muốn bản thân mình nguy hiểm cả. Họ có thể ích kỷ tự lo cho họ, cho gia đình họ, nhưng họ không làm thế, họ đang làm điều gì đó rất thiêng liêng hơn là bảo vệ đồng bào mình, bảo vệ quê hương mình, tôi gọi đó chính là nhân đạo.

Tôi rất là có niềm tin vào chính phủ của mình. Tin vào những anh hùng ngoài đời thực kia. Tin vào sự đồng lòng của nhân dân mình. Điều tôi có thể làm bây giờ là ở yên một chỗ, không chạy loạn và tin vào đảng, hi vọng mọi người cũng thế, có thể suy nghĩ vì mình và người khác. Luôn sáng suốt, và trang bị cho mình một kiến thức tốt để một ngày có thể biến nó thành vũ khí của anh hùng đời thường.

Thôi dừng ở đây thôi, hi vọng chẳng xa nữa, một buổi sáng mình thức dậy, sẽ lại thấy cả nước nóng hơn bao giờ hết. Nhưng lần này sẽ nóng lên vì nCov đã sợ hãi, mà bỏ đi biệt tích rồi!!!

                                                              Hà Nội, 28 tháng 03 năm 2020

Vũ Xuân Ngọc

Lớp K19 – CH 08 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc

tin tức liên quan

HỘI THAO QUỐC PHÒNG AN NINH KHÓA 22: Thước phim của “thanh xuân rực rỡ” hòa cùng tình yêu đất...
Sinh viên Marketing HPC – Một ngày đi học, cả kho kỹ năng! Vừa qua, để chuẩn bị kết thúc...
HPC’ers đi thực tập tại LG Display Việt Nam Hải Phòng 3 tháng đã diễn ra thành công tốt đẹp...
Sinh viên HPC trong kỳ thi cuối kỳ I năm học 2024 – 2025 của Khóa 22 Khoa Ngôn ngữ...
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham quan và trao đổi về cơ hội hợp tác với Trường Cao đẳng...