1. Lập trình viên phần mềm
Lập trình viên phần mềm hay còn gọi là kỹ sư phần mềm là những người sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau để thiết kế, xây dựng và bảo trì các chương trình trên các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,…. dựa trên các công cụ lập trình.
Công việc chính của một lập trình viên thường là: xây dựng mới một ứng dụng, nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, xây dựng các chức năng xử lý, sửa chữa hoặc nâng cấp các ứng dụng có sẵn,…
Để trở thành một lập trình viên giỏi, bạn cần phải có một số tố chất cần thiết như: khả năng sáng tạo và tư duy logic; cẩn thận, tỉ mỉ; khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; khả năng tự học hỏi để nâng cao kiến thức.
2. Lập trình viên game
Lập trình viên game là một trong những nghề thu hút nhiều bạn trẻ làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ điện thoại thông minh, máy tính bảng, nhu cầu giải trí thông qua “thế giới ảo” ngày càng phong phú, đa dạng.
Theo thống kê của “The Texas Tribune” Mỹ, lương của một lập trình viên game từ 1.000 đến trên 40.000 USD/tháng. Điển hình cho nền công nghiệp game là sự phát triển mạnh mẽ của hai tựa game Liên Minh Huyền Thoại và Dota 2 cùng các giải đấu với giải thưởng lên đến hàng triệu USD và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Tại Việt Nam, ngành lập trình game đang có nhiều triển vọng phát triển và luôn “khát nhân lực”. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực này có thể kể đến như FPT online, Gameloft.vn, GlassEgg, Sáng Tạo, VNG… Lương lập trình viên game tại các công ty này dao động từ 7 đến 20 triệu/tháng, đó là chưa kể nhiều công ty thưởng lương tháng 13, thưởng thành tích và doanh thu sản phẩm khá cao.
3. Quản trị mạng
Hiện nay, mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều sử dụng máy tính để phục vụ cho công việc. Dẫn đến nhu cầu quản trị mạng được đào tạo và có bằng cấp tăng cao.
Quản trị mạng được định nghĩa là các công việc quản trị mạng lưới bao gồm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, đảm bảo mạng lưới hoạt động hiệu quả, đảm bảo mạng lưới cung cấp đúng chỉ tiêu định ra.
Công việc cụ thể của một người quản trị mạng sẽ tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp nhỏ, quản trị viên mạng thường chịu trách nhiệm về hỗ trợ máy tính để bàn của người dùng cuối và bảo trì máy chủ cũng như các thiết bị được kết nối mạng khác. Trong khi tại các doanh nghiệp lớn, quản trị viên mạng thường đảm nhận những công việc như: Quản lý các công cụ bảo mật mạng; xác định, khắc phục sự cố, giải quyết và ghi lại các vấn đề kết nối và hiệu suất mạng; giám sát hiệu suất mạng và tối ưu hóa mạng để có tốc độ và tính sẵn sàng tối ưu; cài đặt, cấu hình và duy trì phần cứng mạng, ví dụ, router và chuyển mạch Cisco; triển khai và duy trì các hệ thống sao lưu và khôi phục khẩn cấp cho các máy chủ mạng quan trọng…
Nhìn chung, công việc quản trị mạng đòi hỏi người quản trị phải có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kỹ năng để triển khai công việc và xử lý các tình huống phát sinh khi làm việc. Tuy nhiên, mức lương mà những quản trị viên nhận được cũng tương xứng với chất xám mà họ bỏ ra, trung bình trên 60.000 $/ năm.