Phát triển ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử: Xu hướng tất yếu của xã hội

Đời sống công nghệ hiện đại không thể nào thiếu được các thiết bị điện và điện tử. Những thiết bị này phổ biến ở khắp các hộ gia đình, cơ quan, công sở, nhà máy sản xuất... Đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của xã hội, chính vì vậy, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – điện tử luôn có nhu cầu nhân lực lớn và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Xã hội phát triển với nền tảng phát triển Điện – điện tử

Điện có vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với mọi hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ngày nay. Ngành điện được phân ra nhiều chuyên ngành như ngành điện công nghiệp, ngành điện lạnh, ngành điện điện tử… Ngành nào cũng có vai trò quan trọng cho sự hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Nếu ngành Điện công nghiệp tham gia giải quyết vấn đề truyền tải điện, phân phối điện… trong một mạng lưới rộng lớn. Thì ngành Điện – điện tử đảm nhiệm vai trò khai thác và sử dụng nguồn điện theo mục đích cụ thể hơn. Nhà máy cần điều khiển một loạt công tắc đóng mở theo yêu cầu, hệ thống máy cần thay đổi tốc độ liên tục theo từng quy trình sản xuất, thang máy cần có sự tác động của hệ thống điện và điện tử để hoạt động trơn tru, các bóng điện cần tắt mở tự động… là một vài ví dụ dễ hình dung mà ngành điện điện tử tham gia giải quyết.

Hiện nay các nhà máy đều hướng đến việc điều khiển các máy móc bằng tín hiệu điện, và tự động hóa điều khiển máy móc. Xây dựng nên các hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện, và điều khiển dòng điện đến các thiết bị là công việc của ngành điện điện tử.

Đặc điểm ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện điện tử

Đặc điểm chung nhất của ngành Điện điện tử là xây dựng một hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện, kiểm soát các thông số điện đến máy móc một cách tự động.

Mạch điện tử là phần chính của một hệ thống điều khiển bằng tín hiệu điện. Vì vậy, khi học ngành Điện điện tử, sinh viên được đào tạo về các loại linh kiện điện tử, mạch điện tử, am hiểu về công dụng điều khiển tín hiệu điện của các mạch điện tử xây dựng sẵn.

Mạch điện điện tử

Và để có thể làm được một hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện, và kiểm soát được hoạt động của các máy móc bằng điện, thì người làm trong ngành còn phải am hiểu về việc truyền dẫn điện, các thông số điện, am hiểu về máy móc muốn điều khiển, và am hiểu về các yêu cầu tự động của toàn bộ các máy móc trong một chu trình sản xuất (hoặc chu trình hoạt động).

Học ngành Điện – điện tử làm ở ở đâu?

Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật điện, thiết kế, điều hành sản xuất điện, được đào tạo những kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, máy điện, vật liệu điện, đo lường điện, vẽ điện, kỹ thuật truyền thanh, kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện…

Kỹ sư ngành Điện – điện tử có thể làm việc trong ngành bưu chính viễn thông, các công ty điện lực, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về quy hoạch mạng điện. Kỹ sư ngành điện – điện tử còn có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao.