Những kỹ năng cần thiết trong ngành Công nghệ Thông tin

Công nghệ thông tin đang là một trong những ngành định hướng phát triển mũi nhọn tại Việt Nam. Sự ra đời của hàng loạt các công ty IT, công nghệ phần mềm,... trong và ngoài nước cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực ngành này chưa bao giờ hết hot.

Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đòi hỏi người học ngành công nghệ thông tin cần trang bị đủ kiến thức, kĩ năng sẵn sàng để nắm bắt lấy cơ hội nghề nghiệp.

1. Kỹ năng đánh máy

Nhiều người nghĩ rằng cứ là lập trình viên hay nhân viên IT là tốc độ gõ phím đạt tới “thần sầu”. Điều đó chưa hoàn toàn đúng bởi không ít người giỏi thao tác nhưng kỹ năng đánh máy lại hạn chế.

Kỹ năng đánh máy nhanh là một điều cần thiết và mang lại lợi thế rất lớn cho những người theo học ngành công nghệ thông tin. Có người còn ví von đó là một nghệ thuật để ứng viên ghi điểm trước nhà tuyển dụng và “Hãy là người đánh máy trước khi là một lập trình viên”. Thực tế đánh máy là một kỹ năng thuộc loại cốt lõi trong lập trình. Có thể bạn còn băn khoăn về điều đó nhưng hãy nhìn thẳng vào sự thật những kỹ sư phần mềm vĩ đại, những người mà đã xây dựng ra những sản phẩm tuyệt vời, họ đều “có thể” đánh máy.

Nói chung để gõ phím nhanh cần tập luyện bền bỉ với nhiều hình thức, chẳng hạn như: chat, chơi trò chơi chuyên để luyện phím,… thậm chí bạn có thể tự sáng tạo ra cách luyện tập cho riêng mình miễn sao đạt hiệu quả là được.

2. Kỹ năng tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo là dạng hoạt động trí não cao nhất với tiêu chí của sáng tạo là “tính mới lạ hơn” và “tính giá trị hơn” (so với cái cũ). Tư duy sáng tạo là kiểu giải quyết vấn đề dựa trên quá trình động não để tìm ra những phương án khả thi, rồi rút ra được phương án tối ưu dựa trên các phương án đã nêu ra. Điều này là cả một quá trình rất phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của hoạt động trí óc.

Kỹ năng tư duy sáng tạo giúp con người khám phá, phát minh ra những công trình vĩ đại đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi xã hội, giúp xã hội có những bước tiến dài trong lịch sử.

Theo học ngành Công nghệ thông tin, sau khi tốt nghiệp bạn sẽ làm việc tại các vị trí tiêu biểu như: Kỹ sư thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu và ứng dụng CNTT; kỹ sư vận hành, quản lý, giám sát, phân tích và phát triển các ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp; kỹ sư xây dựng, phát triển các ứng dụng về lãnh vực truyền thông xã hội và công nghệ Web;… Đây đều là những công việc đòi hỏi bạn phải có khả năng tư duy cao, luôn đổi mới và sáng tạo. Bởi mỗi sản phẩm bạn làm ra là để đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của con người trong xã hội luôn biến đổi không ngừng.

3. Làm việc nhóm

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó bạn được giao lập trình một ứng dụng công nghệ nào đó. Liệu bạn có tự mình làm được tất cả? Câu trả lời là có thể nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Lúc này bạn cần các cộng sự để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Làm việc nhóm hiệu quả là điều mà ai cũng mong muốn khi hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên đó là điều không phải ai cũng làm được. “Cái tôi” là điều cần thiết để khẳng định giá trị của một người nhưng bạn cần dung hòa cái tôi của mình trước tập thể vì lợi ích chung. Có như thế công việc của bạn mới có thể hoàn thành tốt nhất. Người ta nói “Muốn đi nhanh hãy đi một mình. Muốn đi đường dài hãy đi cùng nhau”. Chắc hẳn bạn đủ thông minh và tỉnh táo để nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm phải không nào?

4. Ngoại ngữ

Thật là thiếu sót nếu bạn bỏ sót ngoại ngữ khi nhắc đến những kỹ năng cần thiết đối với một chuyên gia công nghệ thông tin trong thời đại 4.0. Bởi ngoại ngữ chính là cầu nối giúp bạn “vươn mình ra thế giới”.

Trang bị ngoại ngữ bên cạnh kiến thức chuyên ngành là một cách quan trọng để bạn định vị bản thân trong xã hội ngày nay. Nắm trong tay vốn ngoại ngữ tốt bạn sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ, dễ dàng tạo lập mối quan hệ với mọi người trên thế giới. Một số ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, được nhiều bạn trẻ Việt Nam theo học hiện nay đó là: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn,…

Trên đây là một số kỹ năng nền tảng đối với người theo học ngành công nghệ thông tin. Hãy trau dồi, rèn luyện để không ngừng nâng cao kỹ năng của mình để trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực này nhé!