Mạch điện – Môn học xương sống giúp sinh viên ngành Điện phát triển kỹ năng chuyên ngành

Trong những năm gần đây, nhu cầu về nhân lực ngành điện ngày càng tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, trong tương lai không xa Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm chế tạo các sản phẩm điện tử lớn tại khu vực ASEAN.

Tại HPC, sinh viên ngành Điện – Điện tử; Điện Công nghiệp được đào tạo theo hướng chuẩn hóa – khoa học để có thể đáp ứng nhiều vị trí công việc khác nhau trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty, tập đoàn lớn.
Cô Lê Như Quyên – Giảng viên Khoa Điện – Điện tử HPC
Cô Lê Như Quyên – Giảng viên Khoa Điện – Điện tử HPC cho biết: Để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực điện, sinh viên cần hội tụ đầy đủ năng lực chuyên môn cùng các kỹ năng nghiệp vụ. Mà trước hết, kiến thức cơ sở ngành là nền tảng để các em phát triển năng lực ngành nghề.
– Được biết, cô đang phụ trách giảng dạy môn Mạch điện – một trong những môn học cơ sở dành cho sinh viên năm nhất? Cô có thể chia sẻ cụ thể hơn về môn học này?
Cô Lê Như Quyên: Thiết kế, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện, thiết bị điện là những công việc tiêu biểu mà sinh viên sẽ đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Để có thể thực hiện các nội dung trên thì việc am hiểu về mạch điện là điều không thể bỏ qua khi bắt đầu ngành học. Có thể nói, đây là môn học xương sống để sinh viên học tập các môn học chuyên ngành sau này.
Nội dung trọng tâm của môn mạch điện chính là đào tạo cho sinh viên các kiến thức về sử dụng số phức với các định luật kirchoff1, kirchoff2. Qua đó, có thể vận dụng vào thực tế để giải các mạch điện.
– Cô có thể chia sẻ một số phương pháp giảng dạy giúp sinh viên tiếp thu kiến thức hiệu quả?
Cô Lê Như Quyên: Đó là phương pháp lấy người học làm trung tâm, là phương châm chính trong mọi hoạt động giảng dạy. Về phần mình, tôi thường sử dụng các phương pháp đa dạng, linh hoạt như phân tích, đàm thoại, hỏi – đáp để tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Bởi lẽ, khi yêu thích thực sự các em sẽ tự chủ động tìm tòi, sáng tạo những nội dung học tập. Ngoài ra, việc làm bài tập về nhà là một cách tốt để sinh viên ôn luyện lại kiến thức đã học. Đồng thời đánh giá được khả năng tiếp thu của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch học tập đúng đắn, phù hợp.
– Theo cô, để học tốt ngành này sinh viên cần có những tố chất nào?
Cô Lê Như Quyên: Đặc trưng của ngành điện là sử dụng các kiến thức thuộc khối tự nhiên như vật lý, toán học, hóa học,… để áp dụng vào thực tiễn chuyên ngành. Chính vì thế, với những bạn có nền tảng tốt về các môn tự nhiên sẽ là một lợi thế.
Sự tự tin, năng động, ham hỏi hỏi và tư duy sáng tạo cũng là những yếu tố cần thiết đối với những người làm việc trong ngành điện. Bởi lẽ, cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu của con người về sử dụng điện nói chung, các thiết bị, máy móc liên quan tới điện nói riêng sẽ ngày càng đa dạng, phong phú. Người kỹ sư điện bản lĩnh phải là người năng động, có khả năng nắm bắt các xu thế của thời đại.
Cùng ghé thăm sinh viên Lớp EL.01+02 trong tiết học về Mạch điện!