Môn Điện tử cơ bản – Một “hạt nhân” quan trọng trong hệ thống kiến thức của ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử

Ngày nay, lĩnh vực Điện - Điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của con người, các thiết bị điện ngày một thông minh, tiện lợi hơn, thì đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật trong lĩnh vực này cũng phải nâng cao năng lực tay nghề của mình.

Để trở thành một nhân sự chất lượng trong ngành Điện – Điện tử, trước hết, sinh viên cần nắm vững các kiến thức cơ sở ngành. Trong đó, môn Điện tử cơ bản chính là cơ sở cung cấp các kiến thức cần thiết để sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử phát triển ngành học của mình.

Thầy Nguyễn Văn Doanh – Giảng viên Khoa Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử HPC

“Nhắc tới các thiết bị điện tử, chúng ta thường nghĩ tới những trang thiết bị như tivi, đài,… cho đến các sản phẩm công nghệ cao như các hệ thống máy tính, vi mạch, các hệ thống vệ tinh hay các thiết bị điều khiển từ xa,… Có thể nói, điện – điện tử đã dần chiếm lĩnh gần như toàn bộ mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên có một điều cơ bản mà tất cả các trang thiết bị điện tử đều dựa trên sự phát triển từ những linh kiện cơ bản nhất như điện trở, tụ điện, cuộn cảm, điốt, transitor,… Đó chính là nền tảng phát triển của các linh kiện điện tử. Môn Điện tử cơ bản chính là môn học nền tảng, cung cấp các kiến thức cơ sở, cần thiết để sinh viên nhận biết các thiết bị, linh kiện, cách dùng,… Từ đó, ứng dụng lý thuyết vào thực hành sửa chữa, lắp ráp, thiết kế các thiết bị, linh kiện đó” – Thầy Nguyễn Văn Doanh, giảng viên Khoa Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử HPC chia sẻ về vai trò của môn học Điện tử cơ bản.

– Thầy có thể chia sẻ cụ thể hơn về ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội?

Thầy Nguyễn Văn Doanh: Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử tại HPC, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kỹ thuật điện, điện tử để có khả năng thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện, khí cụ điện, hệ thống truyền động điện, hệ thống truyền tải, phân phối, cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện gió, điện mặt trời,… Bên cạnh đó, các em được chú trọng rèn luyện những kỹ năng cần thiết như thuyết trình, tổ chức, quản lý, làm việc nhóm.

Đặc biệt với sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử thì tin học có vai trò rất quan trọng vì các em sẽ trực tiếp sử dụng kỹ năng tin học để lập trình, điều khiển các hệ thống điện, hệ thống vi mạch. Do đó, ngay từ năm đầu tiên các em đã được tiếp cận với môn học này.

Một điểm khác biệt trong chương trình đào tạo tại HPC mà tôi thấy rất thú vị, đó là bên cạnh chương trình đào tạo chuyên ngành các em còn được học song song tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn, tiếng Trung. Đây chính là cơ hội để các em phát triển bản thân, nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai. Khi mà ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

– Điện – Điện tử là ngành học đào tạo các chuyên viên, kỹ sư tương lai. Vậy theo thầy, sinh viên ngành này cần có những tố chất gì?

Thầy Nguyễn Văn Doanh: Bất kỳ ngành học nào cũng đều có những yêu cầu riêng của nó. Muốn theo đuổi bất cứ lĩnh vực gì thì trước tiên các em phải có đam mê với nó. Bởi nếu không có đam mê thì sẽ “cả thèm chóng chán”, không gắn bó lâu dài được. Đối với sinh viên ngành Điện – Điện tử các em cần rèn cho mình tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và một đôi bàn tay khéo léo. Nếu các em có nền tảng tốt các môn tự nhiên sẽ có nhiều lợi thế khi học ngành này.

– Thầy có thể chia sẻ một số bí quyết để sinh viên học tốt ngành Điện – Điện tử?

Thầy Nguyễn Văn Doanh: Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử là ngành học ứng dụng. Do đó, để trở thành chuyên gia các em cần nắm vững các kiến thức chuyên ngành và thực hành một cách thường xuyên. Trên lớp, các em được học lý thuyết song song với thực hành, theo tỷ lệ khoảng 30% – 70%. Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều cơ sở giáo dục khác. Tuy nhiên, để có thể thành thạo các em cần luyện tập nhiều hơn thế. Tôi thường khuyến khích các em tự thực hành thường xuyên trên các thiết bị điện tại nhà. Bằng cách này kiến thức của các em sẽ được khắc sâu hơn.

Cùng ghé thăm một tiết học môn Điện tử cơ bản của sinh viên lớp Điện – Điện tử 01, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội: