Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và những tác động tới đào tạo Công nghệ Thông tin

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra và tác động trực tiếp tới nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tiếp cận công nghiệp 4.0 không chỉ là cách tiếp cận mới mà còn là các phương pháp mới và công nghệ mới cần được đưa vào các doanh nghiệp.

Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan sẽ là những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất. Các đơn vị đào tạo cần xác định được những tác động này, xác định được các yêu cầu đặt ra đối với đào tạo công nghệ thông tin và các kỹ năng công nghệ cho nguồn nhân lực, để từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Sau đây, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội xin giới thiệu Báo cáo Khoa học: “CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI ĐÀO TẠO CÔNG NGHỆ THÔNG TIN” của nhóm tác giả Phạm Thảo, Phạm Xuân Lâm, Nguyễn Thanh Hương, Tống Minh Ngọc, Bùi Quang Thịnh.

Đây là báo cáo tham dự Hội thảo:“Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng 8 cơ quan phối hợp tổ chức ngày 12/6 tại Hà Nội.

Thầy Bùi Quang Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường và các tác giả tại Hội thảo

CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI ĐÀO TẠO CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra và tác động trực tiếp tới nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tiếp cận công nghiệp 4.0 không chỉ là cách tiếp cận mới mà còn là các phương pháp mới và công nghệ mới cần được đưa vào các doanh nghiệp. Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan sẽ là những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất. Các đơn vị đào tạo cần xác định được những tác động này, xác định được các yêu cầu đặt ra đối với đào tạo công nghệ thông tin và các kỹ năng công nghệ cho nguồn nhân lực, để từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Từ khoá: Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục 4.0, đào tạo công nghệ thông tin

1. Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục 4.0

1.1. Cách mạng Công nghiệp 4.0

Lịch sử cho thấy, ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi và đổi mới công nghệ. Những cuộc cách mạng công nghiệp này được tạo ra bởi cơ giới hóa (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất), sử dụng năng lượng điện (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2), điện tử và tự động hóa (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3) (Lasi, Fettke, Kemper, Feld, & Hoffmann, 2014). Tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp này không chỉ ảnh hưởng quá trình sản xuất của chính nó, mà còn ảnh hưởng đến thị trường lao động và hệ thống giáo dục. Kết quả của những thay đổi này là một số ngành nghề, công việc cũ biến mất và một số ngành nghề, công việc mới xuất hiện.

Công nghiệp 4.0 là sự chuyển đổi kỹ thuật số của thị trường công nghiệp với sản xuất thông minh (Benešová & Tupa, 2017). Công nghiệp 4.0 đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 trong chuỗi sản xuất, hậu cầu cung ứng, công nghiệp hóa chất, năng lượng 4.0, vận tải, tiện ích, dầu khí, khai thác mỏ và kim loại, và các phân khúc khác bao gồm công nghiệp, sức khỏe, dược phẩm và thậm chí cả thành phố thông minh. Khả năng mới của Công nghiệp 4.0 dẫn đến hiện tượng “thông minh bất cứ thứ gì”, nổi bật nhất như: từ lưới điện thông minh (năng lượng thông minh và hậu cần thông minh) cho đến các cơ sở thông minh (bao gồm tòa nhà thông minh, dịch vụ thông minh cho đến sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh). Hệ thống vật lý không gian mạng [(wikipedia), (Lee, Bagheri, & Kao, 2015), (Benešová & Tupa, 2017)] và các thành phần của nó (như là hệ thống điều khiển thông minh và các hệ thống phần mềm nhúng) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của sản xuất và công nghiệp.

Điện toán đám mây, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu trở thành các công nghệ căn bản của công nghiệp 4.0 (Frank, Dalenogare, & Ayala, 2019). Trí tuệ nhân tạo (AI), với các lĩnh vực chuyên môn hẹp là học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), đã có những bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây. Có được sự phát triển đáng kể này là nhờ có sự phát triển đồng bộ của phần cứng đặc biệt là sức mạnh tính toán của card đồ họa (GPUs) và các giải pháp điện toán đám mây, xử lý dữ liệu rẻ hơn và có thể tạo ra một lượng lớn dữ liệu có thể sử dụng được. Trí tuệ nhận tạo hiện đang được sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống và nền kinh tế. Nó thậm chí còn được áp dụng kèm với các thiết bị di động (nhận dạng giọng nói), máy tính xách tay (lọc thư rác) và cả ô tô (các hệ thống trợ lý). Trí tuệ nhân tạo cũng tăng khả năng được sử dụng trong các hệ thống gợi ý (Netflix, Amazon, v.v), nhận biết các tế bào ung thư, tự động hóa xử lý tài liệu, xác định gian lận và cả trong dự báo. Sử dụng kết nối vạn vật (Internet of Things), kết nối dịch vụ (Internet of Services) và kết nối mọi người (Internet of People) sẽ tạo ra các kết nối: Máy -máy, người – máy, người – người và đồng thời sẽ thu nhận một lượng dữ liệu khổng lồ (Lee et al., 2015). Với lý do đó, việc phân tích một lượng dữ liệu lớn (Big Data) trở nên cần thiết để có thể dự đoán được các lỗi xảy ra và khả năng thích ứng với thời gian thực với các điều kiện đã thay đổi (Benešová & Tupa, 2017).

1.2. Giáo dục 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có tác động trực tiếp đến giáo dục. Yêu cầu về trình độ và kỹ năng của nguồn nhân lực sẽ đặt ở mức cao hơn, bởi các công ty sẽ sử dụng các công nghệ mới và phương tiện thông minh (Hecklau, Galeitzke, Flachs, & Kohl, 2016). Vì lý do này, hệ thống giáo dục sẽ được thay đổi từ giáo dục 3.0 sang giáo dục 4.0 (Bảng 1).

Bảng 1: Một số thành phần lõi của giáo dục 3.0 và giáo dục 4.0

Giáo dục 3.0 Giáo dục 4.0
Nghĩa là… Xây dựng giáo dục theo ngữ cảnh Xây dựng dựa trên cá nhân và nhóm trong thực tế, thông qua đổi mới tập trung
Công nghệ là… Ở mọi nơi (dựa trên nền tảng kỹ thuật số) để xây dựng và truyền tải kiến thức phổ biến Luôn luôn thay đổi với đầu vào trực tiếp của người học đóng vai trò là nguồn phát triển công nghệ chính trong dịch vụ sản xuất đổi mới
Giảng dạy là… Giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, con người – công nghệ – con người (cùng xây dựng kiến thức) Khuếch đại bởi các vòng phản hồi đổi mới tích cực; có mặt khắp nơi và sáng tạo 24/7 trong tất cả các giai đoạn sống, học tập và làm việc
Trường học là nơi… Ở mọi nơi trong sáng tạo xã hội Trong mạng lưới phát triển toàn cầu, một công cụ luôn luôn được phát triển để bổ sung và thay thế lớp học
Phụ huynh xem trường học Nơi để học sinh tạo kiến thức và phụ huynh có thể cung cấp các hình thức hỗ trợ trong nước, tình nguyện, công dân và tài chính Trường học được xem là một trong nhiều địa điểm đổi mới để đổi mới liên tục của học sinh, giáo viên, phụ huynh, …
Giảng viên là Mọi người, mọi nơi, được hỗ trợ bởi các thiết bị không dây được thiết kế để cung cấp thông tin thô cho sản xuất tri thức Mọi người, ở mọi nơi, là một nguồn sản xuất đổi mới được hỗ trợ lên bằng phần mềm trực quan. Các đối tác của cộng đồng và các cộng tác viên của con người
Phần cứng và phần mềm trong trường học Có sẵn với chi phí thấp và được sử dụng có chủ đích, để sản xuất kiến thức có chọn lọc Được đổi mới hàng ngày, vì hầu như tất cả các phần mềm đều mang tính cá nhân hóa
Ngành công nghiệp xem sinh viên tốt nghiệp là gì? Là đồng nghiệp có kiến thức và doanh nhân có thể hỗ trợ phát triển xây dựng kiến thức tập trung Là đồng nghiệp và doanh nhân đổi mới, những người có thể duy trì xây dựng đổi mới tập trung

Nguồn: (Harkins, 2008)

Giáo dục 4.0 sẽ kết hợp thông tin thế giới thực và ảo. Tài nguyên ảo (ví dụ như kính cho thực tế ảo, sẽ được sử dụng cho giảng dạy). (Quint, Mura, & Gorecky, 2015) Giáo dục đại học sẽ được tăng cường (ví dụ, quá trình khoa học thông tin sẽ cần bao gồm kiến thức về quy trình quản lý). (Pfeiffer, 2015) Kiến thức, khung trình độ và đào tạo nhân viên sẽ là một phần thiết yếu của Công nghiệp 4.0. Theo (Huba & Kozák, 2016), môi trường học tập ảo (VLE) sẽ được sử dụng để chuyển giao nhiều kiến thức và kỹ năng được phát triển. Một số nghiên cứu trước cho thấy tầm quan trọng của môi trường ảo đặc biệt là trong lĩnh vực giao tiếp và kỹ thuật. Sau thời gian làm việc trong môi trường ảo, người học sẽ tiếp tục học tăng cường thực tế trong môi trường thực tế. Những loại hình giáo dục này rất tốn kém, Thực tế này có thể dẫn đến việc tư nhân hóa một số tổ chức giáo dục đại học hoặc thành lập trường bởi các doanh nghiệp lớn.

2. Những tác động căn bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới đào tạo công nghệ thông tin

2.1. Một số thách thức đối với giáo dục 4.0

Theo (Hecklau et al., 2016), các thách thức chính đặt ra được chia vào các nhóm: Thách thức kinh tế, thách thức xã hội, các thách thức kỹ thuật, các thách thức môi trường và các thách thức chính trị và pháp lý. Thách thức kinh tế bao gồm: toàn cầu hóa; gia tăng nhu cầu đổi mới; gia tăng nhu cầu định hướng dịch vụ; tăng cao nhu cầu hợp tác. Thách thức xã hội bao gồm: thay đổi nhân khẩu học và thay đổi giá trị xã hội; gia tăng công việc ảo; sự phức tạp ngày càng tăng của các quy trình. Thách thức kỹ thuật bao gồm: tăng trưởng theo cấp số nhân của công nghệ và dữ liệu sử dụng; phát triển công việc hợp tác trên các nền tảng công nghệ. Các thách thức môi trường: biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên; tư duy bền vững, động lực bảo vệ môi trường, sáng tạo để phát triển các giải pháp bền vững mới. Các thách thức về chính trị và pháp lý bao gồm: tiêu chuẩn hóa các kỹ năng quy trình; tăng cường các hiểu biết về bảo mật công nghệ thông tin; tuân thủ và bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân.

2.2. Các yêu cầu về năng lực

Trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, có thể tổng hợp và phân loại các năng lực cần có thành bốn nhóm chính là (Hecklau et al., 2016): năng lực kỹ thuật, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá nhân. Năng lực kỹ thuật bao gồm: kiến thức được cập nhật, kĩ năng công nghệ, hiểu quy trình, kỹ năng truyền thông, kỹ năng mã hóa, hiểu bảo mật CNTT. Năng lực phương pháp bao gồm: sáng tạo, tư duy kinh doanh, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột, ra quyết định, kỹ năng phân tích, kỹ năng nghiên cứu, định hướng hiệu quả. Năng lực xã hội bao gồm: kỹ năng liên văn hóa, kỹ năng ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp, kỹ năng kết nối mạng, khả năng làm việc nhóm, khả năng thỏa hiệp và hợp tác, khả năng chuyển nhượng, kỹ năng lãnh đạo. Năng lực cá nhân bao gồm: linh hoạt, khoan dung, động lực học tập, làm việc dưới áp lực, tư duy bền vững, tính kỷ luật.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty sẽ phải có tầm nhìn cho các quy trình sản xuất trong tương lai và quản lý chúng. Việc thay đổi quy trình sản xuất của công ty cũng phải được tiến hành dần dần từng bước một chứ không thể thay đổi đột ngột. Trong sự thay đổi đó, sẽ có một số công việc sẽ mất đi và được thay thế bởi những công việc mới. Trong sự thay đổi này, một số nhóm công việc liên quan tới lĩnh vực điện toán, thuật toán và phân tích dữ liệu sẽ được hình thành mới. Khởi đầu của sự thay đổi này sẽ cần đến những nhà lập trình viên và tiếp đến là những nhà phân tích dữ liệu. Các nhà phân tích dữ liệu sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình vận hành và xử lý dữ liệu của doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa và phân tích sâu hơn nhằm làm hài lòng và thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.

2.3. Những yêu cầu đặt ra cho ngành công nghệ thông tin

Hiện nay, do sự phát triển của số hóa và robot, thế giới đang phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, được gọi là Công nghiệp 4.0. (Benešová & Tupa, 2017). Dự kiến một số ngành nghề và nhân lực lao động sẽ được thay thế. Các công nghệ mới có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục của con người. Chỉ có nhân sự có trình độ tay nghề và trình độ học vấn cao sẽ kiểm soát và triển khai các công việc đó.

Khoảng cách kỹ năng toàn cầu (research, 2018) đã khảo sát và so sánh các kỹ năng toàn cầu cho sinh viên như sau:

Khảo sát bởi Số lượng Kỹ năng 1 Kỹ năng 2 Kỹ năng 3 Kỹ năng 4 Kỹ năng 5
PayScale

(2016)

63924 Tư duy phê phán Sự chú ý đến chi tiết Giao tiếp Lãnh đạo Làm việc nhóm
Nace

(2016)

260 Làm việc nhóm Lãnh đạo/ giải quyết vấn đề Giao tiếp Tổ chức Xử lý thông tin
Evolve Scientific 142 Tư duy phê phán Độc lập Thích nghi
Linkin

2016

291 Giao tiếp Tổ chức Làm việc nhóm Đúng giờ Tư duy phê phán

Tùy vào vị trí công việc hướng tới mà các kỹ năng theo yêu cầu cần thiết phải sở hữu. Sở hữu những kỹ năng cần thiết này, bạn sẽ đáp ứng công việc tốt hơn và được hưởng mức thu nhập xứng đáng trong lĩnh vực chuyên môn.

Nhóm công việc chính Top 3 kỹ năng của mỗi nhóm Pay Boost
Nghề nghiệp quản lý

 

 

Rủi ro công nghệ thông tin (IT Risk) 16.50%
Kinh doanh thông minh (SAP BI) 16.10%
Sát nhập và mua lại 15.80%
Nghề nghiệp kinh doanh và hoạt động tài chính

 

 

Sát nhập và mua lại 18.10%
Quản lý chuỗi cung ứng (SAP SCM) 16.50%
Kỹ thuật hệ thống (Systems Engineering) 15.10%
Nghề nghiệp kiến trúc và kỹ thuật

 

 

Nghiên cứu lâm sàng 13.30%
Kỹ thuật sản xuất tốt 12.60%
Học máy 12.50%
Nghề nghiệp khoa học đời sống, thể chất và xã hội

 

 

 

Học máy 22.60%
Chiến lược kinh doanh 19.40%
Khai phá dữ liệu 18.00%
Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) 2.60%
Bán hàng và các nghề nghiệp liên quan

 

 

Cơ sở hạ tầng và bảo mật CNTT 16.00%
Mạng Cisco 15.80%
Báo cáo lãi lỗ 13.20%

Những kỹ năng còn thiếu (PayScale, 2016)

Phân loại Kỹ năng Tỷ lệ % người quản lý thấy sinh viên ra trường thiếu kỹ năng
Cứng

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết thành thạo 44%
Nói trước công chúng 39%
Phân tích dữ liệu (Excel, Tableau, Python, R, v.v.) 36%
Phần mềm chuyên ngành (Salesforce, CAD, Quickbooks, v.v.) 34%
Toán học 19%
Thiết kế 14%
Lập trình máy tính 12%
Trình độ ngoại ngữ 11%
Kỹ năng marketing SEO/SEM 7%
Mềm

 

 

 

 

 

 

 

Tư duy phê phán/ Giải quyết vấn đề 60%
Chú ý đến chi tiết 56%
Giao tiếp 46%
Sở hữu 44%
Lãnh đạo 44%
Kỹ năng giao tiếp/ làm việc nhóm 36%

Mức độ thiếu kỹ năng theo đánh giá của người quản lý

Nguồn (PayScale, 2016)

2.4. Một số yêu cầu kỹ năng đối với Công nghệ thông tin

Vị trí Trình độ chuyên môn Kỹ năng
Chuyên gia tin học Trình độ đại học.

Có kiến thức rộng và quản lý mạng lưới

Kiến thức cơ bản làm việc với cơ sở dữ liệu, ảo hóa và dịch vụ đám mây

Kỹ năng ngoại ngữ.

Giao tiếp

Khả năng lập kế hoạch, lãnh đạo nhóm nhỏ, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giải quyết vấn đề.

 

Lập trình viên Có kiến thức tư duy và kỹ năng lập trình Kỹ năng ngoại ngữ

Có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn

Có khả năng học hỏi những thứ mới

Lập trình Robot Kiến thức về lập trình robot

Kinh nghiệm với tham số hóa robot

Quản lý dự án

Tốt nghiệp đại học tập trung vào công nghệ tự động hóa

Cài đặt các thiết bị vào điều hành

Kỹ năng ngoại ngữ

Có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn

Có kiến thức về mô phỏng quá trình

Kỹ năng giải quyết vấn đề

 

Kỹ sư phần mềm Tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin.

Kiến thức về lập trình C/ C++

Kiến thức lập trình C#/ .Net

Kiến thức cơ bản về làm việc với cơ sở dữ liệu

Kỹ năng ngoại ngữ

Có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn

Có khả năng phân tích.

Suy nghĩ logic

Kỹ năng giải quyết vấn đề

 

 

 

 

 

Phân tích dữ liệu Tốt nghiệp đại học Công nghệ thông tin hoặc Toán tin, Hệ thống thông tin quản lý.

Kiến thức nâng cao về lập trình và xử lý dữ liệu

Kiến thức nâng cao về UML

 

Kỹ năng ngoại ngữ

Có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn

Có khả năng phân tích.

Suy nghĩ logic

Kiến thức về làm việc với dữ liệu

Kiến thức căn bản về phân tích

Bảo mật Tốt nghiệp đại học Công nghệ thông tin Kỹ năng ngoại ngữ

Có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn

Có khả năng học hỏi những thứ mới

Có khả năng phân tích.

Suy nghĩ logic

Bảng trình độ chuyên môn và yêu cầu kỹ năng CNTT

(Benešová & Tupa, 2017)

3. Một số giải pháp và đề xuất

3.1. Nhóm giải pháp về hình thức tổ chức đào tạo

Các đơn vị đào tạo cần nhận ra vị trí và mức độ sẵn sàng đáp ứng với các đòi hỏi của đào tạo trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các đơn vị cần có tầm nhìn cho tương lai về quy trình tổ chức thực hiện đào tạo và mức độ sử dụng công nghệ trong đào tạo. Cần hướng tới sử dụng các công nghệ miễn phí và chi phí thấp để hỗ trợ việc học của sinh viên cũng như áp dụng cách tiếp cận tốt để tích hợp các công cụ dựa trên nền tảng Web và Mobile vào hệ thống quản lý khóa học và nội dung học tập của sinh viên.

Các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Hình thành thêm các cơ sở đào tạo tư nhân và đầu tư nhiều hơn về công nghệ trong hệ thống giáo dục. Để triển khai xây dựng các môi trường học tập hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao, các cơ cơ sở đào tạo cần phải phối hợp với doanh nghiệp, các tập đoàn lớn để có nguồn lực tốt hơn trong xây dựng môi trường đào tạo, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực tế, có tính ứng dụng cao. Các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các môi trường học ảo trong tương lai với tầm nhìn của ngành công nghiệp 4.0. Cộng tác trong môi trường ảo một cách hiệu quả sẽ giúp các cơ sở đào tạo tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển môi trường đào tạo phong phú sẽ là một đóng góp quan trọng cho việc toàn cầu hóa, kết nối và số hóa trong hệ thống nền công nghiệp 4.0

3.2. Nhóm giải pháp về nội dung đào tạo

Nội dung đào tạo không những tập trung vào kiến thức liên quan đến trình độ đào tạo ngành công nghệ thông tin, ngành khoa học máy tính,… mà còn xây dựng để phù hợp với việc chuyển đổi nghề nghiệp có liên quan theo kịp các kỹ năng và công nghệ của người làm việc, thích nghi với sự thay đổi về vị trí việc làm trong quá trình chuyển đổi công nghệ.

Nội dung đào tạo cần cập nhật và tiếp cận với xu hướng công nghệ mới nhất. Có tầm nhìn dài hạn và trung hạn để phù hợp với thời điểm người học tốt nghiệp ra trường. Hình thành các khóa học ngắn, với nội dung được xây dựng mở theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ. Học đi đôi với thực hành, nhằm tăng khả năng vận dụng trong thực tế, có tư duy logic tốt.

Hướng tới áp dụng các nguồn học mở để người dạy và người học có thể tiếp cận thường xuyên và bất cứ khi nào, mọi lúc mọi nơi. Một số hệ thống cung cấp các khóa học trực tuyến từ các trường đại học/nhà cung cấp hàng đầu như: Coursera, edX, Khan Academy, Udemy, Eniseistudio, Udacity v.v (Phạm Thảo, 2017). Một số nguồn tài liệu mở như văn bản – tài liệu, sách, sách giáo khoa: OpenStax; Open Textbook Library; BCcampus; Siyavula; DOAB; DOAJ. Dữ liệu mở: Zenodo, OpenAIRE (NGHĨA, 2019).

3.3. Nhóm giải pháp về triển khai đào tạo

Ngày nay, các giải pháp học tập điện tử rất đa dạng. Các loại dịch vụ truyền thông khác nhau, phần mềm cho việc dạy và học cũng như các giải pháp phần cứng sáng tạo không chỉ trở thành một phần lớn hơn trong giáo dục đại học và nơi làm việc mà ngày càng thích nghi với những thay đổi lớn mà thế giới làm việc của chúng ta đang trải qua. Một ví dụ phổ biến và thường được trích dẫn là việc sử dụng phần mềm quản lý học tập, dựa trên các phần mềm khác trên hệ thống quản lý nguồn mở Moodle. Các nền tảng như Moodle có các chức năng khác nhau, có thể cũng được xem như là giải pháp học tập điện tử.

Cách tiếp cận thiết kế nội dung và chương trình học lấy người học làm trung tâm sẽ giúp hiểu sâu hơn về sở thích thiết kế cụ thể của môi trường học tập, mô phỏng được áp dụng từ một nhóm người dùng, triển khai nhân rộng lên trong một môi trường xã hội hóa. Ngoài ra, để môi trường cộng tác ảo hiệu quả, sẽ cần tổ chức một nhóm với sự liên kết của nhiều đối tượng tham gia như của người học với nhiều cấp độ khác nhau; các chuyên gia làm việc về chuyên môn; những người làm công nghệ thông tin,…

Xây dựng đề án đào tạo nhân lực công nghệ với các nước phát triển có cơ sở đào tạo uy tín, có các chuyên gia, đội ngũ giảng dạy với cách tiếp cận thực tế, gắn liền với đặc thù của đất nước.

Phương pháp giáo dục hiện đại hướng đến tổ chức quá trình đào tạo, bài giảng, hội thảo, phòng thí nghiệm được tổ chức theo sự hoàn thành hợp lý của các mục tiêu hướng đến. Nhiệm vụ của người dậy là thiết kế các công việc mục tiêu và phân tích kết quả.

4. Kết luận

Xây dựng danh mục các kỹ năng yêu cầu về chuyên môn, yêu cầu kỹ năng mềm đối với người học lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xây dựng định hướng tổ chức thực hiện học tập, tạo điều kiện tốt chuẩn bị môi trường học tập là một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các cơ sở giáo dục. Thông qua việc chuẩn bị này, người học sẽ được đón nhận và tiếp cận tốt với những yêu cầu đầu ra, đáp ứng được nguồn nhân lực mong muốn của xã hội.

5. Tài liệu tham khảo

Benešová, A., & Tupa, J. (2017). Requirements for education and qualification of people in Industry 4.0. Procedia Manufacturing, 11, 2195-2202.

Frank, A. G., Dalenogare, L. S., & Ayala, N. F. (2019). Industry 4.0 technologies: Implementation patterns in manufacturing companies. International Journal of Production Economics, 210, 15-26.

Harkins, A. M. (2008). Leapfrog principles and practices: Core components of education 3.0 and 4.0. Futures Research Quarterly, 24(1), 19-31.

Hecklau, F., Galeitzke, M., Flachs, S., & Kohl, H. (2016). Holistic approach for human resource management in Industry 4.0. Procedia Cirp, 54, 1-6.

Huba, M., & Kozák, Š. (2016). From E-learning to Industry 4.0. Paper presented at the 2016 International Conference on Emerging eLearning Technologies and Applications (ICETA).

Lasi, H., Fettke, P., Kemper, H.-G., Feld, T., & Hoffmann, M. (2014). Industry 4.0. Business & information systems engineering, 6(4), 239-242.

Lee, J., Bagheri, B., & Kao, H.-A. (2015). A cyber-physical systems architecture for industry 4.0-based manufacturing systems. Manufacturing letters, 3, 18-23.

NGHĨA, L. T. (2019). KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ (OER). Retrieved from https://vnfoss.blogspot.com/2019/04/tap-huan-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc.html

PayScale. (2016). 2016 Workforce-Skills Preparedness Report.

Pfeiffer, S. (2015). Effects of Industry 4.0 on vocational education and training. Vienna: Institute of Technology Assessment.

Phạm Thảo, P. X. L. (2017, 12/12/2017). Một số hệ thống học trực tuyến M-Learning cho sinh viên chuyên ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Paper presented at the Hội thảo Quốc gia, Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, Trường ĐHKTQD.

Quint, F., Mura, K., & Gorecky, D. (2015). In-Factory Learning–Qualification For The Factory Of The Future. ACTA Universitatis Cibiniensis, 66(1), 159-164.

research, Q. I. U. s. (2018). The Global Skills Gap.

wikipedia. Cyber-physical system. Retrieved from https://en.wikipedia.org/wiki/Cyber-physical_system

CHIA SẺ