Dưới đây là những kỹ năng cần thiết để bạn trở thành một kỹ sư giỏi trong ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử.
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện điện tử HPC
1. Kỹ năng giao tiếp
Ngành Điện – Điện tử tưởng chừng như chỉ cần có chuyên môn tốt là đủ nhưng thực chất nếu bạn chỉ chăm chú vào mỗi kỹ năng chuyên môn thì bạn sẽ khó mà hoàn thành công việc một cách xuất sắc được. Nếu giao tiếp không khéo léo, khách hàng sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng vào dịch vụ của bạn, đôi khi có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Vì vậy, để công việc diễn ra thuận lợi nhất, bạn nên rèn luyện thật tốt kỹ năng này.
Kỹ năng giao tiếp là khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt suy nghĩ, ý kiến, cảm nhận một cách rõ ràng và thuyết phục; đồng thời thúc đẩy được giao tiếp hai chiều. Nhiều người cho rằng, kỹ năng giao tiếp – tài ăn nói là một năng lực thiên bẩm nhưng không phải vậy. Có thể, lúc đầu bạn giao tiếp không giỏi nhưng chỉ cần bạn chăm chỉ, nỗ lực từng ngày, thường xuyên trò chuyện với những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều kinh nghiệm chắc chắc kỹ năng giao tiếp của bạn sẽ tăng lên từng ngày.
2. Có óc sáng tạo
Sáng tạo là một yêu cầu tất yếu để phát triển công việc. Hãy thử tưởng tượng, nếu trong một doanh nghiệp tất cả mọi người đều làm việc một cách rập khuôn, máy móc thì doanh nghiệp ấy sẽ ngày càng tụt hậu và chắc chắn sẽ tự diệt vong.
Xã hội luôn phát triển và biến đổi không ngừng. Vì vậy, dù làm trong bất cứ ngành nghề nào sự sáng tạo vẫn được đề cao hơn cả. Những người có tư duy nhạy bén, có suy nghĩ đột phá sẽ được coi trọng hơn và dễ phát triển sự nghiệp hơn. Với một người làm việc trong ngành kỹ thuật như Điện – Điện tử, sự sáng tạo thể hiện ở việc bạn cố gắng cải thiện sản phẩm, thiết kế sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá thành…
3. Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc nhóm là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm, nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, phát triển tiềm năng của tất cả các thành viên.
Dù làm trong bất cứ ngành nào, bạn cũng không thể thiếu được kỹ năng quan trọng này. Làm việc nhóm giúp bạn có thể thảo luận, tranh luận, học hỏi thêm từ những đồng nghiệp để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng làm việc của bản thân. Để làm việc nhóm hiệu quả bạn cần: Biết lắng nghe người khác; có khả năng đưa ra ý kiến, tranh luận, tổ chức; đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau và có trách nhiệm với công việc.
4. Sự thích nghi, linh hoạt
Sự thích nghi, linh hoạt là một trong những kỹ năng được nhiều nhà tuyển dụng coi trọng và đánh giá cao. Đặc trưng của ngành Điện – Điện tử là công việc, linh hoạt, ít gò bó. Trong quá trình làm việc, sẽ có những vấn đề phát sinh đòi hỏi bạn phải có khả năng thích nghi, điều chỉnh phù hợp để xử lý tốt mọi tình huống. Ví dụ: cùng công việc sửa chữa hệ thống điện nhưng bạn phải đảm nhận ở hai địa điểm khác nhau là thành phố và miền núi. Điều kiện đi lại, trang thiết bị ở miền núi thường sẽ hạn chế hơn so với thành phố. Lúc này, bạn cần có khả năng ứng biến để thích nghi với môi trường từng nơi đồng thời đảm bảo công việc.