Những điều bạn cần biết về hệ thống truyền động trên ô tô

Ô tô là một trong những phương tiện di chuyển phổ biến trên thế giới ngày nay. Bạn đã bao giờ thắc mắc, ô tô được cấu tạo như thế nào để có thể di chuyển với tốc độ hàng trăm km/h?

Hãy cùng tìm hiểu về hệ thống truyền động của ô tô trong bài viết dưới đây.

Sinh viên khối ngành kỹ thuật HPC

Hệ thống truyền động là gì?

Hệ thống truyền động lực trên ô tô là một chuỗi các thiết bị bao gồm: ly hợp, hộp số, trục các đăng, cầu chủ động, vi sai và bán trục. Hệ thống này có nhiệm vụ truyền mômen xoắn từ động cơ tới các bánh xe, tạo động lực để di chuyển xe và quyết định tới sự linh hoạt của ô tô.

Công dụng của hệ thống truyền động lực

Hệ thống truyền động lực có 4 công dụng chủ yếu là:

– Truyền và biến đổi mô men xoắn từ động cơ đến bánh xe chủ động để dung hòa thích hợp giữa động cơ và mômen cản (sinh ra trong quá trình chuyển động).

– Thực hiện đổi chiều chuyển động giúp ô tô chuyển động lùi.

– Cắt dòng công suất.

– Giúp xe chuyển động êm dịu và có thể thay đổi tốc độ cần thiết trên đường.

Sinh viên khối ngành kỹ thuật HPC

Phân loại hệ thống truyền động lực

Nhận biết được các loại hệ thống truyền động lực trên ô tô là một điều cần thiết và hữu ích để bạn có thể lựa chọn loại ô tô phù hợp với nhu cầu của mình. Có thể phân chia hệ thống truyền động ô tô thành 4 loại chính sau đây:

– Loại 1: Hệ thống truyền động cầu trước –  2 bánh trước trực tiếp nhận năng lượng sinh ra bởi động cơ đốt trong đồng thời làm nhiệm vụ kéo chiếc xe di chuyển đồng thời làm nhiệm vụ chỉnh hướng.

– Loại 2: Hệ thống truyền động cầu sau –  2 bánh sau trực tiếp nhận năng lượng sinh ra bởi động cơ đốt trong đồng thời quay và đẩy 2 bánh trước lăn theo.

– Loại 3: Hệ truyền động 4 bánh bán thời gian – chiếc xe có thể được dẫn động bằng 2 bánh hoặc 4 bánh tùy vào lựa chọn của người lái thông qua một cơ cấu gài cầu đặt bên trong xe. Hầu hết các hệ thống truyền động 4 bánh bán thời gian khi hoạt động ở chế độ dẫn động 2 bánh đều truyền mô-men xoắn tới bánh sau như hệ thống truyền động cầu sau. Vì thế hệ thống này thường được thiết kế trên các xe gầm cao như: Crossover; SUV;…

Loại 4: Hệ thống truyền động 4 bánh toàn thời gian – chỉ các xe dẫn động 4 bánh trong mọi thời điểm, mọi địa hình mà không phải thực hiện các thao tác gài cầu. Trong hệ thống này cả 4 bánh đều nhận được năng lượng sinh ra từ động cơ xe và cho phép điều chỉnh lượng năng lượng trên từng bánh để xe có được độ cân bằng tốt nhất. Với những ưu điểm vượt trội loại hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian thường được sử dụng trong các dòng xe cao cấp.