Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội

HomeDu học CHLB ĐứcVăn hóa CHLB ĐứcNgười Đức và văn hóa đúng giờ

Người Đức và văn hóa đúng giờ

Sớm 5 phút còn hơn muộn 1 phút

Tờ DW danh tiếng của Đức nhận định, người Đức nổi tiếng toàn thế giới vì sự đúng giờ và họ tự hào về điều đó. Mặc dù nước Đức không phải là nước sản xuất đồng hồ song người Đức tiên phong trong việc đúng giờ… như đồng hồ.

Tại quốc gia này, gần như mọi thứ đều được thực hiện theo kế hoạch. Từ các chuyến tàu hỏa, xe buýt và máy bay đều luôn được khởi hành đúng giờ, bất cứ ai đến muộn đều bị “bỏ rơi”. Điều này đã trở thành nguyên tắc “bất di bất dịch”, nếu có sự thay đổi nào thì điều đó đồng nghĩa với việc đã xảy ra lỗi ở đâu đó. Nhà ga sẽ phát đi thông báo xin lỗi khách hàng ngay lập tức nếu có một đoàn tàu đến chậm dù chỉ 5 phút.

Tàu đến ga Bahnhof đúng giờ.

Văn hóa Đức nêu cao sự trật tự và đúng giờ. Người Đức có câu nói nổi tiếng: “Đúng giờ là sự lịch thiệp của các ông vua”. Sự đúng giờ của người Đức còn được thể hiện qua câu chuyện cuộc đời của một cố triết gia người Đức. Ông Immanuel Kant luôn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày, tới trường giảng dạy lúc 7 giờ, làm việc từ 9 giờ đến 13 giờ. Ông đi dạo mỗi ngày vào lúc 15 giờ 30 và đi ngủ lúc 10 giờ tối, không bao giờ sớm hơn hay muộn hơn.

Không phải tất cả người Đức đều sống như triết gia Kant, song gần như họ cố gắng làm như vậy. Theo DW, gần 85% người Đức cho biết họ tôn trọng các cuộc hẹn và mong muốn người khác cũng làm như vậy. Nguyên tắc chung ở Đức là thà đến sớm hơn 5 phút còn hơn là đến muộn 1 phút. Người Đức còn có một câu nói nổi tiếng khác là “đúng giờ như những người thợ xây”. Ở Đức, thợ xây là những người đặc biệt đúng giờ, nhất là khi kết thúc giờ làm. Họ không bao giờ làm việc thêm dù chỉ một giây sau khi ca làm việc kết thúc. Có lẽ đúng giờ đã trở thành một truyền thống của người Đức, tờ DW viết.

Tại sao người Đức đúng giờ đến vậy?

Nhìn chung, mọi thứ ở Đức đều theo kế hoạch. Các chuyến tàu khởi hành đúng giờ, giao thông hoàn toàn có thể quản lý, hệ thống đáng tin cậy, các quy tắc do Chính phủ đề ra luôn rõ ràng và được thực thi nhất quán. Tờ Business Insider còn cho rằng thậm chí bạn có thể lập kế hoạch cho cả năm nếu môi trường sống xung quanh không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch của bạn.


Người Đức luôn luôn đúng giờ và mong muốn người khác cũng như vậy.

Theo các nhà nghiên cứu, có một mối liên hệ rõ ràng giữa thói quen đúng giờ và lịch sử của đất nước. Dường như sự chuẩn xác về thời gian của người Đức là kết quả của quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ. Nước Đức là một trong những nước công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới. Hãy tưởng tượng bạn là nhân viên một nhà máy ô tô của Đức. Nếu bạn đến làm việc muộn 4 phút, máy móc sẽ bị vận hành muộn, gây ra thiệt hại có thể tính toán được về tài chính. Do đó, nhận thức về thời gian của người Đức bắt nguồn từ những tác động ban đầu của cuộc cách mạng công nghiệp, nơi công việc của nhà máy đòi hỏi lực lượng lao động luôn luôn phải đúng giờ.

Nền giáo dục của nước Đức cũng đề cao việc giảng dạy về tính đúng giờ cho học sinh. Một trong những tính từ đầu tiên khi bắt đầu học tiếng Đức là punktlich, nghĩa là đúng giờ, cùng với các tính từ khác như vernunftig (hợp lý) và gunstig (tiện lợi).

Mọi thứ đều theo quy tắc

Hầu như mọi thứ ở Đức, đều hoạt động theo đúng lịch trình, kể cả các dịch vụ như cà phê, quán ăn, các spa,… Khi mọi người và mọi thứ xung quanh luôn đúng giờ, nếu đến muộn, bạn chắc chắc sẽ bị nhỡ việc. Đó cũng là lý do tại sao một số người nước ngoài đến Đức sinh sống có xu hướng trở nên ngày càng đúng giờ hơn. Một người nước ngoài đến Berlin kể lại, trong tháng đầu tiên ở Đức, ông có một cuộc hẹn với một người đàn ông vào lúc 8 giờ sáng. Lúc 8 giờ 2 phút, ông nhận được một cuộc điện thoại từ người đàn ông đó, giọng đầy lo lắng hỏi rằng liệu có bất kỳ sự nhầm lẫn nào về thời gian hay địa điểm không. Kể từ đó, ông hiểu rằng ở Đức, 8 giờ phải luôn chính xác là 8 giờ.

Đức còn có nhiều quy tắc khác và mọi người dường như luôn tuân theo mọi quy tắc. Kể cả vào giữa đêm, đường phố vắng bóng xe cộ nhưng bất kỳ ai đi đường đều dừng xe lại trước vạch dành cho người đi bộ và chỉ đi khi đèn chuyển màu xanh. Tương tự như vậy, thông thường không có người soát vé trên những chuyến tàu điện, song không có ai lên tàu mà lại không có vé.

Cao tốc Autobahn ở Đức cũng được biết đến là một trong những hệ thống đường cao tốc tốt nhất trên thế giới và là một trong số ít các xa lộ không giới hạn tốc độ. Hầu hết các ô tô đều chạy trên 150km/h nhưng tỷ lệ tử vong trên cao tốc này rất thấp. Điều này là nhờ những quy tắc nghiêm ngặt được đề ra và mọi người luôn tuân theo nhưng quy tắc này. Chẳng hạn, tài xế không được phép ăn hoặc uống khi lái xe nhằm tránh sự xao nhãng có thể gây ra tai nạn, hay tất cả ô tô đi trên Autobahn đều không được phép hết nhiên liệu.

Văn hóa xếp hàng của người Đức cũng rất đáng khâm phục. Họ có thể xếp hàng đợi rất ngay ngắn tại các ga đường sắt, trong văn phòng, nhà vệ sinh hay thậm chí ở nơi đổ rác. Gần như không bao giờ có chuyện xếp hàng hai hay hàng ba, ở Đức mọi người chỉ xếp hàng một, và đứng cách nhau một khoảng cách thoải mái.

Bài viết mới nhất

Chuyên mục

tin tức liên quan

Đây là cơ hội mới vô cùng rộng mở cho sinh viên HPC học nghề và làm việc tại Đức.
Nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản như sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách...
Tính cách là một trong những yếu tố tạo nên nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia. Khi...
Nền văn hóa của mỗi quốc gia được hình thành từ chính những tập quán, nếp sống hằng ngày của...
Ngành xây dựng là một ngành sản xuất vật chất xuất hiện sớm nhất trong lịch sử phát triển nhân...