Hàn Quốc có theo đạo Phật không?

Đạo Phật là một tôn giáo giàu triết lý và kỷ luật tu tập, chú trọng tới sự giải thoát bản thân qua mỗi lần tái sinh trong vòng luân hồi bất tận.

Nhà sư Sundo, tới từ thời Tiên Tần ở Trung Quốc, truyền bá Đạo Phật vào Hàn Quốc từ năm 372 SCN dưới triều đại Goguryeo. Vào năm 384, nhà sư Malananda mang đạo Phật tới Vương quốc Baekje từ Nhà Đông Tấn ở Trung Quốc. Ở Vương quốc Silla, đạo Phật được nhà sư Ado từ Vương quốc Goguryeo truyền bá vào giữa thế kỷ 15. Đạo Phật dường như được giai cấp thống trị ở cả ba vương quốc ủng hộ vì là một chỗ dựa tinh thần phù hợp với cơ cấu thống trị thời bấy giờ, vì Đức Phật, cũng giống như Nhà vua, là biểu tượng quyền lực được tôn thờ duy nhất.

Dưới sự bảo hộ của triều đình, nhiều chùa chiền và tu viện được xây dựng và số người theo đạo Phật ngày càng gia tăng đáng kể. Tới thế kỷ thứ 6, các nhà sư và nghệ nhân bắt đầu di cư sang Nhật Bản, mang theo kinh sách Phật giáo và vật phẩm chế tác của mình, hình thành cơ sở cho văn hóa đạo Phật ban đầu ở Nhật Bản.

Tới khi Vương triều Silla thống nhất được toàn bán đảo vào năm 668, đạo Phật đã được coi là quốc giáo, mặc dù các hệ thống cai trị hầu hết theo đạo Khổng. Sự ưa thích đạo Phật của triều đình trong thời kỳ này dẫn đến sự nở rộ đáng kinh ngạc của nghệ thuật Phật Giáo và các kiến trúc chùa chiền, trong đó có Phật Quốc Tự và nhiều di tích khác ở Gyeongju, thủ đô của Silla. Vị trí tôn kính trên toàn quốc dành cho đạo Phật bắt đầu suy giảm khi giới quý tộc chìm đắm vào lối sống xa hoa. Khi đó, đạo Phật bắt đầu phát triển phái Seon (Thiền) tập trung đi tìm chân lý phổ quát thông qua tu tập khổ hạnh.

Lễ rước đèn hoa sen

tôn giáo hàn quốc

Môt số nghi lễ Phật giáo tại Hàn quốc

Lễ Rước đèn Hoa sen (Lễ hội đèn lồng được tổ chức để kỷ niệm lễ Phật Đản vào ngày cuối tuần liền trước ngày đó, ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch)

Những người kế vị triều đại Goryeo ủng hộ đạo Phật tích cực hơn. Trong suốt Triều đại Goryeo, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo tiếp tục nở rộ nhờ sự sẵn sàng hỗ trợ của giới quý tộc. Bộ Đại tạng kinh Hàn Quốc ra đời trong chính thời gian này. Khi Yi Seong-gye, người sáng lập ra Triều đại Joseon, lãnh đạo khởi nghĩa và tự xưng vương năm 1392, ông cố gắng loại bỏ tất cả ảnh hưởng của đạo Phật đối với hệ thống cai trị và lấy đạo Khổng làm nguyên tắc chỉ đạo cai trị đất nước và nền tảng đạo đức. Trong suốt năm thế kỷ dưới Triều Joseon, bất cứ nỗ lực nào nhằm hoằng dương Phật pháp đều bị các nhà nho và giới quan lại theo đạo Khổng phản đối mạnh mẽ.

Khi Nhật Bản dùng vũ lực lật đổ Triều đại Joseon và thiết lập chế độ cai trị thuộc địa năm 1910, họ đã cố gắng đồng hóa những nhánh Phật giáo của Hàn Quốc vào những nhánh ở Nhật Bản. Tuy nhiên, những nỗ lực này đều thất bại, thậm chí còn khơi dậy mối quan tâm của người Hàn Quốc đối với đạo Phật. Những thập niên sau đó, đạo Phật trải qua một thời kỳ hưng thịnh trở lại, với nhiều nỗ lực để điều chỉnh cho phù hợp với thay đổi của xã hội mới. Mặc dù phần lớn các nhà sư vẫn ở lại vùng núi, tự giác tuân thủ giới luật và thiền định, nhưng một số khác bắt đầu xuống các thành phố để truyền bá đạo Phật. Có một số lượng lớn các nhà sư thực hiện nghiên cứu về tôn giáo ở các trường đại học trong và ngoài nước. Phái Seon (Phật giáo hướng về Thiền định của Hàn Quốc) phát triển mạnh mẽ, nhiều người nước ngoài theo bước các nhà sư đáng kính người Hàn Quốc qua những buổi giảng đạo, tu luyện trong Chùa Songgwangsa ở tỉnh Jeollanam-do và các trung tâm của phái Seon ở Seoul và nhiều tỉnh thành khác.